MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Công ty TNHH Một mình tao" có thể khiếu nại nếu không được cấp phép

KHÁNH LINH LDO | 07/06/2021 12:53

Một doanh nghiệp đăng ký thành lập với tên “Công ty TNHH Một mình tao khiến cộng đồng dậy sóng. Tuy Luật Doanh nghiệp 2020 có những quy định "Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp" ở điều 38 và 42, nhưng dùng cụm từ “mình tao, của tao...”, để đi đăng ký thì không phạm luật.

Song song với vụ việc một công ty đăng ký với vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng, thì mới đây, một công ty đã nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM với cái tên "Công ty TNHH Một mình tao", được xem như một cái tên "bắt trends" khi cụm từ này mới nổi lên trên mạng xã hội những ngày gần đây.

Theo Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Doanh nghiệp không được đặt tên vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, đây là những phạm trù không thể định nghĩa chi tiết về từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức…

Khi nhận thấy tên doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định trên, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đề nghị khuyến khích để thay đổi, nếu không thay đổi thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ từ chối tiếp nhận.

Theo luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, không xét về khía cạnh luật pháp, mà trong ngôn từ thì "Tao" là cách xưng hô bỗ bã, thiếu tôn trọng người đối diện. "Trong trường hợp này, tên không đến mức vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng nó không được trang nhã cho lắm, tên như thế thì rõ ràng người mở công ty không nghiêm túc, họ không kỳ vọng vào khách hàng và thị trường nhìn nhận công ty như thế nào, không kỳ vọng vào mục đích kinh doanh như họ ghi trong giấy tờ" - luật sư Hà Hải nói.

Luật sư cũng cho biết, với góc độ luật pháp thì không có luật nào cấm đặt tên công ty như vậy. Thậm chí, nếu như cơ quan có thẩm quyền không cấp phép cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp không đồng ý có thể khiếu nại, gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền.

Dưới góc độ của người làm nghề, luật sư cũng đã nêu lên nỗi băn khoăn với những kẽ hở trong luật pháp hiện nay. "Đây là những góc khuất của luật pháp, mà luật pháp cũng cần có những quy định cụ thể hơn hoặc những hướng dẫn cụ thể hơn. Tên công ty như thế thì có thể thấy rõ ràng người thành lập công ty không hướng đến mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh mà có thể vì mục đích khác.

Do đó, các nhà làm luật nên bổ sung thêm quy định nào đó để cơ quan thẩm quyền khi tiếp nhận những hồ sơ như thế họ có quyền từ chối. Trong trường hợp này, chưa có quy định pháp luật nào hết. Bây giờ họ lập hồ sơ nếu không cấp thì họ sẽ có quyền khiếu nại. Họ sẽ đề nghị phải giải thích cho họ là tại sao không được, căn cứ vào quy định pháp luật nào. Chính khó khăn không có luật điều chỉnh như thế nên dẫn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư không thể không cấp phép được" - luật sư Hà Hải nói.

This browser does not support the video element.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn