MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Linh Giang áp lực vì công việc hiện tại nên đã quyết định nghỉ việc. Ảnh: Linh Giang

Công việc khác so với mô tả, Gen Z quyết định nhảy việc

Phương Trang LDO | 24/02/2023 12:29

Liên tục lặp lại vòng xoay “xin việc – đi làm- nghỉ việc”, nhiều bạn trẻ cho rằng đó là cách khám phá bản thân. Tuy nhiên, “nhảy việc” liên tục cũng khiến nhiều người bị mất phương hướng.

Nhảy việc với mong muốn tìm kiếm môi trường phù hợp

Chia sẻ về vấn đề này, anh Thành Công (24 tuổi, nhân viên Điện lực Hà Nội) - cho biết: “Từ giữa 2022 đến hiện tại tôi đã “nhảy” 2 công việc vì bản thân tôi cảm thấy chưa tìm được môi trường phù hợp”.

Anh Thành Công cảm thấy hiện nay cơ hội việc làm rất nhiều. Cá nhân anh thấy không phù hợp ở một môi trường hoặc định hướng khác, anh Thành Công sẽ quyết định nghỉ và thay đổi qua một môi trường mới. Anh Thành Công cho biết, các bạn đồng trang lứa như anh cũng có suy nghĩ tương tự.

Anh này tâm sự: “Công việc đầu tiên tôi làm khi mới ra trường là kỹ sư thiết kế, tôi đi làm được hơn nửa năm thì xin nghỉ. Bởi vì tôi thấy môi trường làm việc ở đây quá ảm đạm và không phù hợp với bản thân”.

Thu nhập từ công việc đầu tiên của anh này không được tốt lắm. Mỗi tháng lương của anh chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng, nhưng có rất nhiều thứ anh Công phải chi trả cho một tháng, từ tiền nhà, tiền điện nước,… làm anh Thành Công cảm thấy vô cùng đau đầu.

“Khi còn làm công việc cũ, tháng nào tôi cũng phải đi vay tiền người thân bạn bè. Có tháng tôi phải vay tới 5 triệu để trang trải cuộc sống”, anh Thành Công trải lòng.

Bên cạnh đó, lí do khiến anh Thành Công nghỉ việc là vì anh này không tìm thấy hứng thú trong công việc. Anh cho biết, khi đi làm rồi mới nhận ra công việc khác xa với mô tả khi phỏng vấn, dẫn đến cảm giác chán chường và muốn nhảy việc.

Anh Thành Công mong muốn tìm được môi trường làm việc phù hợp với bản thân. Ảnh: Thành Công

“Tôi đã muốn nghỉ việc từ lâu, nhưng nghĩ đến thưởng Tết tôi lại cố gắng đi làm. Trong thời gian đi làm ở công ty cũ, tôi đã tìm hiểu rất nhiều các công ty mới, có nhu cầu tuyển dụng nhân sự với mong muốn sẽ tìm được chỗ tốt hơn”, anh Công trải lòng. 

Anh Thành Công cho biết, công việc hiện tại của anh lương ổn định hơn ở công ty cũ. Với mức thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng, anh này có thể để dành một khoảng nhỏ để tiết kiệm cho tương lai.

Nghỉ việc vì… ức chế với sếp

Chị Nguyễn Linh Giang (25 tuổi, nhân viên của một công ty ở Thanh Hoá) đã có dự định thôi công việc cô đã gắn bó hơn 1 năm để tìm một hướng đi mới cho sự nghiệp.

Quyết định có phần táo bạo nhưng chị Giang đã lên sẵn những kế hoạch trong đầu và chị này cũng đã hoàn tất mọi nhiệm vụ được giao, bàn giao công việc cho công ty.

“Mặc dù lương thưởng ở công ty này khá tốt. Song, cấp trên liên tục tạo áp lực, đôi khi tỏ rõ thái độ không hài lòng với tôi khiến tôi vô cùng mệt mỏi”, chị Giang trải lòng.

Chị Giang áp lực từ cấp trên và hơn hết chị này không còn thấy niềm vui khi đi làm. Từ ngày ra trường, trừ các ngày lễ, Tết, chị này chưa có một kỳ nghỉ phép đúng nghĩa. Vì vậy, chị mong sẽ dành thời gian nhiều hơn cho bản thân.

Nếu có xin nghỉ phép thì chị Giang cũng trong tình trạng “ôm” laptop, nhận điện thoại liên tục từ khách hàng và sếp. Dù tay chân có nghỉ ngơi nhưng trong đầu luôn luôn nghĩ tới công việc. 

Chị Giang cho biết, chị Giang thuộc kiểu người “nhảy việc” an toàn, khi nhận được thông báo mới của công ty khác thì mới nói chuyện nghỉ với công ty cũ. Nhờ có sự chuẩn bị trước nên chị Giang vẫn nhận được lương thưởng Tết từ công ty cũ.

“Thời điểm cuối năm, tỷ lệ cạnh tranh cũng không cao nên tôi đã lên kế hoạch ngay trong Tết, ra đầu năm này tôi thay đổi công ty cũng tiện lợi hơn”, chị này cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn