MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng CSGT tuyên truyền tại một 1 quán nhậu trên địa bàn. Ảnh: PC08 TP.HCM.

CSGT đề nghị chủ quán "mách" tin khách say xỉn vẫn lái xe: Không hiệu quả!

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/07/2022 07:07

Nhằm giảm tình trạng lái xe có nồng độ cồn gây mất an toàn, Cảnh sát giao thông (CSGT) TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị nhiều chủ quán phối hợp, báo tin khi khách say xỉn vẫn lái xe. Nhiều bạn đọc tranh luận trái chiều trước đề nghị này. 

Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông.

CSGT TP.HCM đã cùng công an các phường phối hợp gặp chủ các cơ sở kinh doanh có sử dụng rượu bia để tuyên truyền.

Theo nội dung cam kết, các chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke… sẽ thường xuyên nhắc khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; không tự lái xe sau khi đã uống rượu bia. Các quán nhậu cũng sẽ chủ động treo băng rôn với nội dung: "Không lái xe sau khi đã uống rượu bia".

CSGT cũng đề nghị chủ quán, những người chứng kiến phát hiện người đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển xe có thể báo cho lực lượng CSGT gần nhất biết, xử lý.

Bày tỏ quan điểm, bạn đọc Đoàn Dung viết: "Quán chỉ cần dán cái bảng chữ: Đã uống rượu bia thì không lái xe. Còn xử lý hay tuyên truyền là việc của CSGT và luật pháp. Chủ quán báo CSGT sau khi khách rời quán nhậu thì đảm bảo quán sẽ đóng cửa. Quán nhậu không uống bia rượu thì nhậu nước ngọt, nước suối hay sao?!".

Bạn đọc giấu tên viết: "Gọi báo CSGT bắt khách vừa ủng hộ quán của mình, có ai làm được chuyện vậy không? Chịu khó ra đường tuần tra, kiểm tra và xử phạt ma men đi, cách làm này không hiệu quả đâu!".

"Tiền thuê mặt bằng vài chục triệu đồng, lương nhân viên, đầu bếp... tổng cộng hơn trăm triệu đồng. Thử hỏi nếu quán đó bị xì xào rằng, "chủ bán rượu bia, rồi kêu công an bắt", vậy quán đó ai đến nữa, ai sẽ trả hơn trăm triệu kia?" - bạn đọc Anh Nguyễn bày tỏ. 

Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Hoài viết: "Tình hình này thì chỉ có uống bia, rượu ở nhà là vừa an toàn vừa không bị phạt. Nhưng nếu vậy thì quán nhậu nhà hàng sẽ ế khách, thu hẹp kinh doanh, hệ luỵ nhân viên sẽ mất việc, sinh viên không có việc làm thêm, nguồn thu ngân sách cũng giảm...".

Còn bạn đọc Hoàng Thụ chia sẻ: "Người bán thì muốn bán để có lợi nhuận còn công an thì vì an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia giao thông. Đây là bài toán cần tìm lời giải, không chỉ đơn giản đứng về phía nào".

Đưa ra giải pháp, bạn Văn Tiên viết: "Thay vì gọi điện báo CSGT thượng đế của mình say xỉn vi phạm nồng độ cồn, thì chủ quán hãy làm 3 điều thôi. Một là giữ xe qua đêm miễn phí để sáng mai khách đến lấy; hai là gọi hộ xe Grab cho khách; ba là cử một em phục vụ nhỏ nhẹ nói "anh ơi mình gọi Grab về cho an toàn đi anh, nếu không lỡ bị mấy bác CSGT bắt là mất gần 20 thùng bia, bị giữ xe một tuần, giữ giấy phép gần 2 năm... Uổng lắm". Nghe lời thỏ thẻ này chắc khách tỉnh và sẽ làm theo".

"Đánh thuế thật mạnh vào bia rượu. Đại khái là thay vì họ phải bỏ ra 20.000 đồng/lon bia thì nay là 200.000 đồng/lon. Ngoài các hình thức phạt hành chính cần bổ sung thêm luật lao động công ích tính theo giờ với trường hợp nồng độ cồn thấp và phạt tù trực tiếp với trường hợp nồng độ cồn cao. Vừa đánh vào kinh tế vừa đánh vào "sĩ diện" mới mong thay đổi nhận thức của người dân được. Tôi cảm thấy tự xấu hổ vô cùng khi nhớ lại những khoảng thời gian mình lỡ quá chén” - bạn đọc Hoàng Anh bày tỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn