MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cử nhân cầm bằng giỏi đi làm dịch vụ tính lương theo giờ

LƯƠNG HẠNH LDO | 16/06/2023 20:02

Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, không ít cử nhân chọn làm trái ngành, nghề. Thậm chí, có người làm công việc dịch vụ được trả lương theo giờ để trang trải cuộc sống. 

Chuyện không lạ 

Tháng 7.2022, chị N.T.H (23 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tốt nghiệp loại giỏi ngành Hướng dẫn viên du lịch tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Hồ hởi cầm tấm bằng này đi xin việc, chị được nhận vào làm tại công ty cũng về du lịch. Thế nhưng, sau khoảng 1 tháng làm việc, chị nhận về mức thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.

“Vị trí tôi làm việc là nhân viên sale tour du lịch. Tháng đầu tiên khi được nhận vào làm việc, tôi chưa có doanh số, chỉ nhận được hơn 5 triệu đồng và không thấy có tương lai nên tôi xin nghỉ việc” – chị H tâm sự.

Những ngày sau đó, chị H tiếp tục đi xin việc ở các công ty về du lịch. Tuy nhiên, theo chị H, thực tế mức lương chị được trả quá thấp, áp lực công việc lại cao. Đó là lí do, cử nhân này chọn đi làm công việc dịch vụ, nhận lương theo giờ.

Để có tiền trang trải cuộc sống, chị H đã xin làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng mỹ phẩm từ 7 giờ -12 giờ với mức lương là 18.000 đồng/giờ. Từ 14 giờ-21 giờ, chị làm công việc lễ tân khách sạn với mức lương là 20.000 đồng/giờ.

Đều đặn mỗi ngày, chị H đi làm từ 7h đến 21h mới quay trở về phòng trọ. Số tiền lương chị nhận về một ngày là 230.000 đồng/tháng chưa tính các khoản phụ cấp, tiền thưởng từ khách hoặc quản lí. Tổng thu nhập một tháng của chị cũng khoảng 8-9 triệu đồng.

Cử nhân này cũng tiết lộ, để “đi đường dài”, chị sẽ dùng số tiền tích lũy được để đi học các khóa học nail – thợ làm móng tay.

Cũng cầm tấm bằng giỏi chuyên ngành Luật, chị D.A (23 tuổi, Lào Cai) chấp nhận làm một công việc trái ngành. Mỗi ngày, chị nhận livestream – bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội tiktok từ 10-12 giờ. Công việc này đã giúp chị D.A, có thu nhập khá hơn hẳn so với việc làm đúng chuyên ngành học.

“Mỗi ngày livestream tôi có thể kiếm được từ 500.000 – 1 triệu đồng. Lượng người xem càng cao, số đơn hàng có nhiều thì tôi càng được trả mức thu nhập cao. Mức thấp nhất là 500.000 đồng/ngày” – chị D.A nói.

Cử nhân này bày tỏ, sau khi ra trường không làm đúng ngành học, nghề khiến bản thân chị không tránh khỏi tiếc nuối, buồn phiền. Nhưng hiện nay, chuyện này đã không còn xa lạ với chị và nhiều cử nhân khác khi họ phải đối diện với cơm, gáo, gạo, tiền.

Tìm một mentor - người hướng dẫn

Dưới góc độ là một nhà tuyển dụng, chị Trần Yến Linh – Trưởng phòng Tuyển dụng – Công ty Cổ phần JOHN HUNT cho rằng học vấn, bằng cấp rất quan trọng, chưa từng có ai không học mà lại thành công, nhưng bằng cấp không phải là tất cả. Để tuyển được ứng viên chất lượng, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm tới cả các kỹ năng, tố chất và định hướng của ứng viên.

Vị trưởng phòng cũng cho hay, 100% nhân sự tại công ty này không làm đúng chuyên ngành được đào tạo tại đại học. Chỉ tính riêng phòng Tuyển dụng, nhân sự đều tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhau như: Quản trị kinh doanh, kế toán, báo chí, tài chính ngân hàng…

  Chị Trần Yến Linh – Trưởng phòng Tuyển dụng – Công ty Cổ phần JOHN HUNT. Ảnh: Lương Hạnh. 

Trong tháng 5.2023, công ty này cũng cung cấp khoảng 22% ứng viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành đào tạo vị trí Marketing, còn lại là ứng viên từ các ngành khác.

Lí giải nguyên nhân khiến các ứng viên không làm việc đúng chuyên ngành đã học, chị Yến Linh cho rằng ngay từ ban đầu khi lựa chọn ngành học, sinh viên đã không được định hướng cẩn thận, rõ ràng. Nhiều sinh viên nghe theo hướng dẫn của bố mẹ mà không tìm hiểu từ các chuyên gia liên quan trong lĩnh vực đó.

Bên cạnh đó, trong quá trình học tại trường đại học, sinh viên cảm thấy không hứng thú, không phù hợp với ngành học đã chọn.

Vị trưởng phòng cũng đưa ra lời khuyên, trước khi chọn ngành học, trường học, sinh viên cần tìm hiểu các công cụ thấu hiểu bản thân, nghe lời chia sẻ từ những chuyên gia trong ngành hoặc đơn giản nhất là từ những sinh viên khóa trên. Từ đó, phát hiện điểm mạnh - điểm yếu để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Không chỉ vậy, việc đi làm thêm, thực tập, đầu tư cho các khóa học để bổ trợ kiến thức từ cơ bản đến nâng cao; từ miễn phí đến mất phí cũng giúp ích cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Đặc biệt nhất, sinh viên, tân cử nhân cần tìm cho mình một mentor – người hướng dẫn có tâm, có tầm trong ngành đó. Việc này không chỉ có lợi trước mắt khi cử nhân vừa ra trường mà còn cả định hướng phát triển trong tương lai” – chị Linh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn