MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động tìm kiếm việc làm đầu năm 2023 (ảnh minh họa). Ảnh: Lương Hạnh.

Cử nhân chạy xe ôm thu nhập 15 triệu đồng/tháng là lười phấn đấu?

LƯƠNG HẠNH LDO | 25/07/2023 07:41

Nhiều quan điểm gửi đến Báo Lao Động về việc cử nhân chấp nhận làm nhân viên văn phòng lương 5-7 triệu đồng/tháng hay chạy xe ôm, shipper thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng là kém cỏi, lười phấn đấu.

Tốt nghiệp đại học, nữ cử nhân Lê Thị Thuỷ (Thanh Hoá) chấp nhận làm một công việc lương thấp, nhưng đem lại cho chị nhiều giá trị khác không tính bằng tiền bạc.

Chị Thủy cho rằng thu nhập cao cũng khá quan trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng mà nữ nhân viên hướng tới. Chị hy vọng mình tìm được một người hướng dẫn giàu kinh nghiệm và nhiệt tình. Những kiến thức mà chị học hỏi được sẽ dần tạo nên giá trị của bản thân, đến một thời điểm nhất định, chị sẽ có những vị trí và mức lương mình mong muốn.

Trước đây, chị Thủy cũng từng đi làm ở một số công ty khác nhau. Có nền tảng kiến thức tốt về marketing, không khó để nữ nhân viên tìm kiếm một công việc với mức lương ổn. Tuy nhiên, trong những môi trường đó, chị Thủy cho hay không thấy được sự sáng tạo, phát triển.

Chị Thủy chia sẻ: “So sánh mức lương của công việc lao động phổ thông với một cử nhân mất 4 năm học đại học ra trường là không phù hợp. Cử nhân đại học nếu chạy xe ôm để kiếm thêm tiền và tích luỹ kinh nghiệm sống thì hợp lí và nên được thông cảm. Nhưng nếu chỉ tập trung kiếm tiền, không có định hướng phát triển bản thân thì cử nhân đó sẽ sớm bị đào thải".

Chị Thuỷ khi mới tốt nghiệp đại học đã chọn một công việc lương thấp để tích luỹ kinh nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Văn Du (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, làm công việc văn phòng là dùng chất xám để kiếm tiền, không thể đánh đồng việc làm văn phòng lương thấp là an nhàn và hài lòng với những gì đang có.

Anh Du nói thêm, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học chọn chạy xe ôm là con đường lâu dài thì thực sai lầm và rất đáng tiếc. Nghề xe ôm vốn là nghề dành cho những người không có trình độ, thiếu sức lao động, thiếu chuyên môn, hay có lý do khó nói buộc phải làm công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Còn với các cử nhân đã mất thời gian, tiền bạc và công sức cho 4 năm học, sau khi tốt nghiệp không thể làm một công việc văn phòng lương 5 triệu đồng. Việc này cho thấy những sinh viên đó quá kém cỏi.

“Tôi thấy sẽ không có vấn đề gì nếu một người làm văn phòng vào ban ngày và chạy xe ôm vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, nếu họ coi chạy xe ôm là nghề nghiệp lâu dài thì tôi khó có thể coi trọng. Đó mới là những người không có ý chí phấn đấu” – anh Du cho hay.

Việc “nhảy việc” thường xuyên dễ nhận thấy ở các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường theo quan điểm của chị Nguyễn Thị Thái (Thanh Hoá). Sự thiếu kinh nghiệm, môi trường làm việc không thân thiện trong thời gian đầu đi làm khiến đối tượng này chọn đi chạy xe ôm thay vì tiếp tục vượt khó.

Theo chị Thái, nếu làm việc văn phòng, ngồi máy lạnh mà có thu nhập bằng nghề xe ôm công nghệ thì không ai lại muốn phơi mặt ra đường để chạy xe ôm.

“Tôi không đánh giá cử nhân chạy xe ôm là lười phấn đấu. Nghề nào chân chính kiếm ra tiền cũng đều đáng quý, đáng trân trọng. Không có nghề này sang hơn nghề kia. Mỗi người sẽ lựa chọn công việc tuỳ vào khả năng và hoàn cảnh của họ. Nhưng cử nhân cả đời chỉ chạy xe ôm (không tính đến nguyên nhân khách quan) thì thực sự là không có bản lĩnh” - chị Thái bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn