MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân vùng biên Sơn La vô cùng bức xúc vì nhiều tháng nay không đủ xăng đi lại, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Cửa hàng xăng dầu ở Sơn La nơi đóng cửa, nơi bán khống chế 50.000 đồng/xe máy

Hùng Dân LDO | 04/11/2022 09:08

Sơn La - Người dân ở huyện vùng cao Sốp Cộp bức xúc vì nhiều tháng nay các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn không bán hàng và có bán thì khống chế số tiền mua.

Khống chế số lượng mua xăng, dầu

Báo Lao Động nhận được phản ánh của nhiều người dân huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La về việc các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn không bán xăng cho người dân, hoặc có bán thì khống chế số lượng.  

Nhiều ngày có mặt tại huyện Sốp Cộp, theo ghi nhận của PV, phản ánh của người dân về vấn đề này là có cơ sở. 

Cụ thể, ngày 3.11, tại của hàng xăng dầu Petrolimex số 220 thuộc xã Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp) người dân chỉ được mua số lượng xăng, dầu không quá số tiền 50.000 đồng/1 xe máy và 400.000 đồng/1 ôtô.

Phía bên ngoài cửa hàng này có hàng chục người dân xếp hàng dài để chờ mua xăng, dầu nhiều người còn mang cả can để được mua thêm nhưng đều bị nhân viên từ chối.

Khi được hỏi lý do tại sao lại bán khống chế số lượng thì nhân viên bán xăng ở đây trả lời do không có xăng, dầu để bán, chủ bảo sao thì làm vậy.

Người dân xếp hàng chờ mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 220 tại xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Bên cạnh việc khống chế số lượng mua, một số cửa hàng xăng, dầu khác còn đóng cửa với nhiều lý do khác nhau.

Điển hình như tại Trạm cấp phát xăng dầu Đoàn 326 (xã Sốp Cộp) và Cửa hàng xăng dầu Dồm Cang (xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp) đều đóng cửa không bán hàng. Nguyên nhân được nhân viên ở đây đưa ra là do không nhập được hàng để bán.

Việc các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Sốp Cộp ngừng bán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và bức xúc cho người dân. 

Ông Lò Văn Thắng (trú bản Lầu, xã Púng Bánh) bức xúc kể: “Do cửa hàng xăng dầu ở địa phương đóng cửa gần 3 tháng nay nên ngày nào tôi cũng phải dậy sớm đến trung tâm xã Sốp Cộp cách nhà 20km để mua, nhưng cũng chỉ được mua có 50.000 đồng".

Theo ông Thắng, người dân cũng đã nài nỉ mua thêm để đỡ phải đi lại nhưng không được. 

Người dân mang can để mua thêm xăng cho tiện đi lại nhưng đều bị nhân viên cửa hàng xăng dầu từ chối, chỉ bán 50.000 đồng cho mỗi xe.

Tương tự, anh Lò Đức Hiếu (trú tại xã Sốp Cộp) cho hay, anh làm việc tại xã Mường Lèo, cách trung tâm xã Sốp Cộp hơn 50km đường rừng mà chỉ được đổ 400.000 đồng/1 ôtô do quy định cửa hàng xăng dầu số 220 đưa ra. Ngày nào lái xe đi làm anh cũng nơm nớp lo, vì sợ hết xăng giữa đường.

Tuy nhiên, trái ngược với việc không chế số lượng thì nhiều người phản ánh do quen biết với nhân viên cây xăng lại mua được số lượng lớn. 

Nhiều người dân phản ánh, tuy khống chế số tiền người dân mua xăng nhưng các nhân viên tại cửa hàng xăng dầu số 220 lại bán số lượng xăng lớn cho các hộ bán lẻ xăng dầu tại xã Mường Và?

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lã Tuấn Anh - Đội Trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La) xác nhận tình trạng trên và cho biết nguyên nhân là do các cửa hàng kinh doanh không nhập được xăng, dầu.

“Cái khó của các cửa hàng là nếu không có xăng để bán thì sẽ bị xử phạt, trong khi lượng xăng nhập về bị “mắc”, không đủ cho nhu cầu người dân, nên họ chỉ bán lượng xăng vừa đủ để  bà con đi lại.

Về thông tin Báo Lao Động phản ánh việc nhân viên cửa hàng xăng dầu số 220 đong xăng vào can bán số lượng lớn cho các hộ bán lẻ, tôi sẽ chỉ đạo anh em xuống nắm bắt, kiểm tra và thông tin lại ngay” - ông Lã Tuấn Anh nói.

Nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Sốp Cộp đóng cửa với lý do không có hàng để bán.

Theo bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, vừa qua một loạt các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn báo cáo Sở về việc khan hiếm xăng dầu là do liên quan đến nguồn cung bị thiếu.

Sở cũng động viên và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn cố gắng nhập xăng dầu để duy trì việc bán hàng cho người dân. Nhưng không bán quá nhiều tránh tình trạng bà con tích trữ.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn không phải “găm hàng”, không muốn bán mà do không có nguồn hàng để nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn