MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tuyến sông tại ĐBSCL bị ô nhiễm. Ảnh: Vietnamnet.

“Túi” chứa chất thải

LÊ NHƯ GIANG LDO | 11/09/2018 06:30
Kênh rạch, sông ngòi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là những “túi” chứa chất thải. Ví dụ tuyến sông trong nội ô TP.Cà Mau; nhất là các đoạn sông từ cống Cà Mau đến ngã ba Hòa Trung, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh Ba Khoanh, sông Cái Nhúc...

Mật độ tập trung cao ven sông của nhà ở, chợ, cơ sở sản xuất và hoạt động mua bán trên sông của các phương tiện thủy... với nguồn thải lớn vào sông, rạch - nhất là chất thải rắn không phân hủy - chính là nguyên nhân khiến các tuyến sông trong nội ô TP.Cà Mau thường xuyên bị ô nhiễm. Mặt khác, hầu hết các tuyến sông, rạch này đều bị bồi lắng nhiều, khả năng thoát nước kém nên các chất gây ô nhiễm tích lũy ngày càng trầm trọng.

Nước sông bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản của cư dân TP.Cà Mau, mà còn ảnh hưởng xấu đến sản xuất của người dân ở các huyện lân cận. Đối với tỉnh Cà Mau, cùng với tình trạng ô nhiễm từ hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các khu - cụm công nghiệp và các khu dân cư (do rác thải tồn đọng), thực trạng các tuyến sông bị ô nhiễm là vấn đề không thể không giải quyết. Ấy nhưng, làm thế nào để xoay chuyển tình hình?

UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo UBND TP.Cà Mau và các sở liên quan (NNPTNT, KHCN...) triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, như: Quản lý các hộ kinh doanh, khu vực buôn bán có phát sinh chất thải rắn nhằm hạn chế việc phát tán xuống kênh, rạch; lắp đặt camera tại các khu vực công cộng thường xuyên phát sinh chất thải rắn; thường xuyên vớt rác trên sông trong nội ô thành phố... Song song đó, buộc các cơ sở chế biến thủy sản không có hệ thống xử lý nước thải phải đầu tư hệ thống này trong năm 2018; gắn chỉnh trang đô thị với di dời, giải tỏa nhà ở ven sông, rạch; tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho khu vực nội ô TP.Cà Mau...

Thực tế lâu nay cho thấy, giải quyết tình trạng ô nhiễm nói chung, ô nhiễm các dòng sông nói riêng không hề dễ dàng đối với bất kỳ địa phương nào. Dù các tỉnh ĐBSCL đã đề ra khá nhiều giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, song khó có thể kỳ vọng tình trạng các tuyến sông bị ô nhiễm nhanh chóng được khắc phục. Tuy nhiên, nếu các giải pháp đề ra được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, không “đánh trống bỏ dùi” thì có thể hy vọng từng bước xoay chuyển được tình hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn