MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần lưu giữ các lễ hội văn hóa giàu bản sắc và xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu ở Kon Tum. Ảnh T.T

Củi hứa hôn, nợ miệng… nhiều hủ tục ở Kon Tum cần xóa bỏ

THANH TUẤN LDO | 03/07/2022 14:37

Kon Tum – Ngày 3.7, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, vừa ban hành danh mục các hủ tục, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn không còn phù hợp, cần từng bước xóa bỏ dần.

Kon Tum có tổng dân số hơn 500.000 người, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Na, Xơ Đăng, Ê đê, Jrai… Nhiều hủ tục, phong tục lạc hậu còn lưu truyền đến hiện tại, đã gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, cần phải được xóa bỏ.

Theo đó, người miền núi thường có tục kiêng cữ cái chết xấu. Đây là hình thức mê tín dị đoan, trái với các quy định về đời sống văn hóa, không có tính nhân văn, thiếu tinh thần đoàn kết, tương trợ ở thôn làng. Chính quyền địa phương cần phải đưa hủ tục này vào điều cấm trong hương ước, quy ước của làng.

Cúng ốm đau và khấn cầu thần linh, đây cũng là hủ tục mang nặng tính chất mê tín dị đoan, trái với các quy định ngành y tế về bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tỉnh Kon Tum yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn hủ tục cúng khi có người ốm đau, đưa hủ tục này vào điều cấm trong hương ước, quy ước của làng.

Đối với việc cúng tạ ơn thần linh, cần duy trì vì đây là khởi nguồn của lễ Hội ăn Trâu đậm bản sắc văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên, cần chú trọng nếp sống văn minh và vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí.

Hủ tục thuốc thư mang nặng tính chất mê tín dị đoan, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân, tạo sự nghi ngờ lẫn nhau, vô cớ xâm phạm thân thể, tinh thần thậm chí tính mạng nạn nhân bị nghi có thuốc thư.

Các thôn xã, ngành chức năng liên quan phải có biện pháp xóa bỏ hoàn toàn hủ tục này. Có quy định cấm “hành nghề” thư ếm, chế tài xử phạt đối với các hoạt động thư ếm của những người tự xưng là thầy thư ếm trong cộng đồng.

Nợ miệng, hủ tục gây ra hiện tượng ăn uống tại tang gia, làm mất ý nghĩa về mặt đạo đức, nhân văn. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhiều người từ việc uống rượu kéo dài. Theo chính quyền địa phương, việc phúng điếu bằng gia súc để nhà có tang giết thịt làm cỗ và việc biếu thịt mang về không tượng trưng cho ý nghĩa nhân văn nào, chỉ gây ra cảnh nợ miệng kéo dài.

Cần vận động bà con có mặt, đến chia sẻ đau buồn mất mát bằng tinh thần giúp nhau bằng công cán, một ít tiền có tính tượng trưng.

Phong tục củi hứa hôn cũng có từ lâu trong đời sống của người dân miền núi Kon Tum. Sự cố gắng đạt được số lượng củi lớn làm mất nhiều thời gian, sự lo nghĩ, tính toán, sức khỏe không những của riêng cô gái và cả người thân.

Việc lựa chọn chủng loại gỗ dẻ vốn là gỗ nhóm 2 hiếm gặp. Việc khai thác số lượng lớn, phí phạm tài nguyên. Cần tuyên truyền, vận động người dân hạn chế số lượng bó củi, tận dụng cây gỗ do gia đình trồng (cây bời lời…). Số lượng củi theo truyền thống được quy ước khoảng 20 bó trở xuống.

Chính quyền địa phương, Ủy Ban MTTQVN tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch… cùng phối hợp hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn