MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên nhân sầu riêng rớt giá là do cung vượt quá cầu. Ảnh minh hoạ: Trang Hoài

Cung vượt cầu: sầu riêng rớt giá

Nguyễn Việt Hưng LDO | 25/05/2020 18:38
Thời điểm này, rất nhiều loại trái cây, trong đó có sầu riêng đổ về các chợ đầu mối cũng như thị trường Thành phố Hồ Chí Minh khá dồi dào, lượng hàng nhiều, khiến cho giá rớt rất mạnh nếu so với cùng thời điểm này năm trước.

Còn nhớ, mùa trái cây năm 2019, hay các năm trước đó, giá sầu riêng loại ngon là Ri6, chuồng bò,... bán lẻ tại các sạp chợ không khi nào xuống dưới mức 80.000-90.000 đồng/kg, vậy mà những ngày này giá chỉ khoảng từ 50.000-60.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu, tại các nhà vườn trồng sầu riêng tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre,... thương lái tới tận vườn thu mua chỉ với mức giá từ 25.000-40.000 đồng/kg, tùy loại, giảm khoảng hơn một nửa so với giá bán của các năm trước.

Việc sầu riêng năm nay rớt giá khiến cho nhiều chủ vườn lo lắng vì nguồn thu sẽ giảm. Không những vậy, việc tiêu thụ sầu riêng cũng khó khăn hơn, bởi số lượng sầu riêng không được thương lái thu mua hết, các chủ vườn phải chọn cách mang ra ven đường quốc lộ và chợ trong khu vực để bán.

Nguyên nhân sầu riêng năm nay rớt giá là do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu sầu riêng Việt Nam do các vướng mắc về chất lượng, thương hiệu sản phẩm nên số lượng không tiêu thụ được nhiều. Hơn nữa, sau đại dịch COVID-19, con đường xuất sầu riêng sang Trung Quốc cũng chặt chẽ và mất nhiều thời gian hơn.

Bên cạnh đó, những năm gần đây diện tích sầu riêng tăng lên quá nhanh do giá trị kinh tế cao nên người nông dân trồng ồ ạt, vì vậy mà sản lượng sầu riêng thu hoạch nhiều theo kiểu cung vượt cầu, cũng là nguyên nhân gây ứ đọng, rớt giá.

Trái sầu riêng có giá trị kinh tế cao khi giá bán lên tới trên, dưới trăm ngàn đồng/kg trong những năm gần đây ai cũng từng biết tới, bởi vậy mà không chỉ những người nông dân đang có vườn sầu riêng cho thu hoạch muốn mở rộng diện tích trồng lên, mà những người nông dân đang trồng những loại cây khác thấy vậy cũng chạy đua để trồng sầu riêng.

Thực tế là gần chục năm trở lại đây, trào lưu chặt phá tiêu, điều, cà phê, cao su... ở một số địa phương để trồng sầu riêng diễn ra khá phổ biến. Nhưng chúng ta đều biết, không giống như các cây trồng ngắn ngày, sầu riêng cần phải trải qua một khoảng thời gian khá dài, từ 5-7 năm, thậm chí cả chục năm vun trồng chăm bón mới cho thu trái.

Có thể hiện tại sầu riêng mới chỉ là thời kỳ bắt đầu của rớt giá, nhưng không thể dám chắc được một vài năm nữa, giá sầu riêng rớt xuống bao nhiêu vì sản lượng sầu riêng quá nhiều, do diện tích tăng không kiểm soát.

Tiêu đen từng được mệnh danh là "vàng đen" của vùng Tây Nguyên khi giá có khi lên tới 200.000 đồng/kg. Do giá cao nên người dân đua nhau trồng tiêu khiến diện tích tăng nhanh, sản lượng dồi dào khiến cho giá tiêu rớt quá thấp, hiện chỉ còn trên, dưới 40.000 đồng/kg khiến người dân lao đao vì thua lỗ nặng.

Do vậy, để tránh tình trạng sản phẩm rớt giá khi cung vượt cầu, người nông dân phải kiên định với loại cây trồng, cây ăn trái mình định hướng. Không nên chạy theo trào lưu, để không phải rơi vào thảm cảnh: trồng- rớt giá- chặt phá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn