MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chiếc ghế ghế sofa cũ bị vứt ở bãi đất trống trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Cuối năm dọn nhà đón Tết, rác cồng kềnh lại “ra phố”

MINH QUÂN LDO | 16/01/2022 12:44

TPHCM - Cận Tết, người người dọn nhà, bỏ cũ sắm mới, rác cồng kềnh như ghế sofa, nệm cũ, bồn cầu hỏng… xuất hiện nhan nhản trên nhiều tuyến đường, bãi đất trống.

Vứt ra đường vì không biết gọi ai thu gom

Theo ghi nhận, dọc các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội (Thành phố Thủ Đức), gầm cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... rác thải rắn cồng kềnh được người dân tập kết thành những bãi lớn, chủ yếu là tủ kính, ghế sofa, nệm cũ, gỗ...

Người dân vứt bỏ chiếc ghế sofa cũ ngay lối đi tập thể dục dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh). Ảnh: Minh Quân

Bà Nguyễn Thị Kim Yến (nhà ở đường Hiệp Bình, Thành phố Thủ Đức) cho biết, mỗi lần có rác cồng kềnh phải đập nhỏ ra rồi thuê người đến đem đi bỏ chứ không biết gọi cơ quan chức năng nào thu gom.

“Trước đây, nhà có tấm nệm, bồn cậu bị vỡ bỏ ra cả tuần mà phía thu gom rác để y đó không lấy nên phải gọi người quen tới xử lý cho nhanh. Giá cả thỏa thuận thường dựa trên ước tính khối lượng, kích thước cụ thể chứ không có cân đo gì. Ví dụ bỏ một chiếc tủ nhỏ cũng phải mất gần 250.000 đồng, đồ dùng lớn hơn thì phải trả 400.000 đồng/lần" - bà Yến nói.

Nệm cũ không sử dụng bị mang vứt bên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh). Ảnh: Minh Quân

Mặc dù lượng rác cồng kềnh phát sinh ngày càng nhiều nhưng thực tế cả người phát thải (người dân) và người thu gom khá lúng túng vì giá cả thu gom không có quy định cụ thể.

Ông Nguyễn Quang Hải - người gom rác dân lập trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) - cho hay, giáp Tết, các loại tủ, ghế cồng kềnh bỏ đi rất nhiều. Theo ông Hải, khi thu gom rác cồng kềnh phải "xả" nhỏ ra mới đưa đi được. Vì vậy, sẽ mất công hơn, chưa kể phải trả thêm phí cho các trạm trung chuyển, tiền xăng đi lại... nên giá thấp nhất cũng phải 200.000 đồng/lần chở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh) - nói rằng, nhiều nơi có những bãi rác thải vô chủ do các xe ba gác chở các loại tủ ghế từ nhà dân đến đổ ở đây. Họ nhận tiền rồi mang ra đổ ở các bãi đất trống, lâu ngày thành bãi rác lớn.

Theo ông Sáng, khi đồng ý thu gom các loại rác quá khổ này, đơn vị thu gom rác dân lập gặp rất nhiều khó khăn. “Nhiều anh em mất thời gian xử lý, không kịp giờ thu gom rác sinh hoạt. Vì vướng nhiều cái khó nên không phải cái gì chúng tôi cũng có thể thu gom. Việc thương lượng phí dọn các loại rác này chưa có mức đơn giá cụ thể. Nhiều người không hiểu, cho rằng chúng tôi thu tiền quá cao, không thương lượng được, đành phải từ chối thu gom” - ông Sáng nói.

Ai xử lý loại "rác cồng kềnh"?

Số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thống kê cho thấy, khối lượng rác cồng kềnh, rác thải xây dựng thải ra mỗi ngày tại thành phố chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt. Mỗi ngày, TPHCM phát sinh khoảng 9.300 - 9.500 tấn rác đồng nghĩa có gần 2.000 tấn rác cồng kềnh. Mỗi dịp cuối năm, khi người dân có nhu cầu dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì lượng rác này càng tăng đột biến hơn.

Về hướng xử lý các loại rác thải cồng kềnh, quyết định 09 ban hành năm 2021 của UBND TPHCM nêu rõ: Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển. Nếu không có khả năng vận chuyển thì có thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển rác thải để lực lượng này thu gom, vận chuyển rác cồng kềnh đến nơi tiếp nhận.

Nơi tiếp nhận là điểm hẹn, trạm trung chuyển rác hoặc điểm tiếp nhận rác cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.

Một chiếc bồn tắm cũ bị mang vứt bỏ trên đường Trần Bạch Đằng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Minh Quân

Ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - Citenco) - cho hay, đơn vị này có triển khai dịch vụ xử lý rác thải cồng kềnh.

Theo ông Tuấn, với gần 200 phương tiện hiện đại cùng đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, 2 trạm trung chuyển chất thải rắn xây dựng, 2 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Citenco sẵn sàng tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh từ chủ nguồn thải là hộ dân, công ty, cao ốc, công trình… Khi người dân có rác cồng kềnh có thể gọi số (028) 38208666 hoặc (028) 38 206 550 để được xử lý, giá cả theo thỏa thuận.

Sau khi tiếp nhận, ông Cao Văn Tuấn cho biết, chất thải rắn này được trung chuyển về các trạm của công ty để công nhân tiếp tục phân loại thành các sản phẩm tái chế như gỗ, kim loại, da, cao su… Mục đích giảm tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn