MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm (Hà Nội) hướng dẫn người lao động hoàn thiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hà Anh

Đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho 30.241 NLĐ có chủ bỏ trốn, phá sản

Hà Anh LDO | 03/06/2023 20:52

Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia, trong thời quan qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực kiểm soát, đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng và đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. 

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đôn đốc, hướng dẫn toàn ngành, đặc biệt là bảo hiểm xã hội các địa phương phải thường xuyên bám sát, tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện triệt để các giải pháp để thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp một cách hiệu quả nhất, kịp thời nhất, như chủ động xây dựng kịch bản linh hoạt, phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan như Thuế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an..;

Phân công cán bộ bám sát, đôn đốc doanh nghiệp nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; kịp thời lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm… 

Nhờ đó, tính đến ngày 31.12.2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm 2,91% số phải thu. Đây là tỉ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 (6%) trở lại đây. Trong đó, 75,5% tổng số tiền chậm đóng là tiền chậm nộp mang tính chất “luân phiên” của những doanh nghiệp đang hoạt động.

Với quan điểm “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cũng như kịp thời đề xuất, tham mưu với bộ, ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những lao động này theo quy định. 

Trong trường hợp cần chi trả chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động, chậm nộp mang tính chất “luân phiên” nêu trên thì cơ bản các đơn vị đều thực hiện theo quy định và được giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng luôn quan tâm, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị phá sản, giải thể. 

Trong số hơn 206.460 lao động tại các đơn vị đã phá sản, đơn vị đang làm thủ tục giải thể, đơn vị ngừng hoạt động, đơn vị không còn người đại diện pháp luật (chủ bỏ trốn), đến thời điểm hiện nay cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ cho 30.241 người lao động (các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần); 34.575 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu;  77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, hiện đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới (đã cài đặt phần mềm VssID - ứng dụng số trên nền tảng thiết bị di động).

Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn