MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng thực hiện tốt việc phân loại rác thải đầu nguồn, nhưng cuối nguồn lại chôn lấp. Ảnh: Nguyên Linh

Đà Nẵng cần ưu tiên các dự án đốt hoặc tái chế rác thải thay vì chôn lấp

An Thượng LDO | 03/11/2023 20:27

Đà Nẵng với quy mô dân số trên 1 triệu người, là trung tâm kinh tế chính trị của miền Trung, nên thu hút rất đông khách du lịch, sinh viên, công nhân và cả bệnh nhân... Tuy vậy, hiện thành phố này chỉ có 1 bãi rác thải sinh hoạt với phương thức xử lý lạc hậu - đó là chôn lấp.

Quá trình phát triển, Đà Nẵng thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, ngoài ra dân số ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với lượng rác thải cũng tăng nhanh. Tuy vậy, bãi rác duy nhất - Khánh Sơn đã hoạt động hơn 15 năm, có sức chứa chỉ khoảng 3,4 triệu tấn, nhưng đã tiếp nhận và xử lý lên đến 3,2 triệu tấn, nguy cơ mất khả năng tiếp nhận là thực tế trong một vài năm tới.

Trong khi đó, khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn luôn trong tình trạng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại khu vực xung quanh. Nước rỉ từ bãi rác chôn lấp đang xâm lấn, gây ảnh hưởng cư dân vùng lân cận.

Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý đốt rác vẫn loay hoay, chậm tiến độ hơn 10 năm nay.

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ 3 cho nhà đầu tư Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam vào tháng 9.

UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện đã quyết định quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn nhằm hình thành các khu xử lý rác sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế và rác thải xây dựng, các khu vực tái chế... với diện tích hơn 50 ha. Dự kiến quý III/2026 sẽ hoàn thành Dự án Nhà máy đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày và đưa vào sử dụng. Công nghệ xử lý rác thải được lựa chọn là công nghệ đốt lò ghi cơ học của Đức, sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Dự án hình thành từ năm 2010, đến năm 2014 mới phê duyệt chủ trương lần 2 và năm 2016, điều chỉnh giãn tiến độ dự án. Đến năm 2019, dự án đề xuất một số chủ trương liên quan đến đổi mới công nghệ. Dự án kéo dài, qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều thủ tục... đến nay vẫn chưa triển khai. Vì vậy, người dân đã mỏi mòn, thất vọng.

Tuy vậy, nguyện vọng của cử tri, nhân dân Đà Nẵng (đã trình bày tại rất nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND, phản ánh đến báo chí) là mong sớm có nhà máy xử lý hiện đại. Dân đề nghị ưu tiên lựa chọn các phương thức xử lý đốt rác phát điện hoặc phân loại tái chế, làm phân bón... Hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình thức chôn lấp, vừa tốn diện tích đất, vừa gây hệ lụy môi trường nghiêm trọng, lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn