MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạo vét ở Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Thanh Chung

Đà Nẵng: Chở bùn ra biển nhận chìm, không ảnh hưởng đến môi trường

Thanh Chung LDO | 19/04/2022 16:12

Đà Nẵng - Người dân lo ngại việc hút bùn ở Âu thuyền Thọ Quang, đi nhận chìm ở biển sẽ ảnh hưởng về môi trường biển. Trong khi đó, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định việc nhận chìm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển.

Âu thuyền cảng cá Thọ Quang là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường ở TP.Đà Nẵng.

Ông Lê Văn Xí (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thường xuyên làm việc, neo đậu tàu ở Âu thuyền Thọ Quang cho biết, tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài đã lâu, trong thời gian qua các đơn vị thường xuyên vớt rác hơn, nhưng vẫn bốc mùi hôi thối bởi bùn thải cũng đã quá ô nhiễm.

 Phương án nhận chìm chất nạo vét, sử dụng 3 sà lan với công suất mỗi sà lan 1.495m3/ngày (trung bình 6 chuyến/ngày) để vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm.

“Việc nạo vét Âu thuyền là điều được ngư dân chúng tôi hoan nghênh nhưng với số lượng bùn lớn được đưa ra biển để xử lý rất nguy hiểm. Vì nếu việc nhận chìm bùn này ở ngoài biển không cẩn thận sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến nguồn thủy sản đánh bắt của người dân” – ông Xí nói.

Liên quan đến việc này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, Âu thuyền Thọ Quang từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Việc khắc phục điểm nóng này phải có lộ trình 5 năm, với nhiều dự án thuộc chương trình.

Dự kiến đến năm 2025, Âu thuyền Thọ Quang sẽ bị xóa khỏi danh sách ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng.

“Là cơ quan tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phê duyệt khu vực nhận chìm, chúng tôi hết sức thận trọng. Không đơn giản mà lớp bùn lắng đọng từ rất nhiều năm, mà nay tiếp cận bằng cách hút lên rồi đi nhận chìm.

Việc xử lý ô nhiễm môi trường Âu thuyền Thọ Quang được cụ thể hóa bằng 2 quyết định. Thứ nhất là quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường trong quá trình nạo vét. Thứ 2 là quyết định lựa chọn vị trí phù hợp để nhận chìm. Khi làm việc này, đơn vị tư vấn lựa chọn vị trí nhận chìm phải tính toán, làm thế nào đảm bảo việc nhận chìm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển. Vì Vịnh Đà Nẵng là vị trí hết sức nhạy cảm” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nạo vét ở đây là hút bùn, rồi dùng xà lan vận chuyển đi đổ đến vị trí nhận chìm phải gắn định vị để theo dõi, và trong quá trình làm phải có lưới vây để tránh bùn lan truyền.

Ông Hùng khẳng định: “Chúng tôi rất tự tin với giải pháp thi công, nhận chìm là đảm bảo như vấn đề quan ngại”. Ông Hùng thông tin thêm, trong suốt quá trình thực hiện việc nạo vét và nhậm chìm, UBND TP. Đà Nẵng thành lập Tổ giám sát. Trong quá trình thực hiện phương án đã đưa ra, Tổ giám sát này sẽ giám sát, nếu có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường thì sẽ dừng lại để tìm kiếm giải pháp phù hợp hơn.

Hiện Đà Nẵng thí điểm nạo vét, nhận chìm bùn lưu cữu ở Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, hướng tới việc đưa “điểm nóng” này ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường vào năm 2025.

Dự kiến sẽ mất khoảng 1 năm để nạo vét và nhận chìm hơn 347.000 m3 bùn ở Âu thuyền cảng cá Thọ Quang. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 99 tỉ đồng do trung ương bố trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn