MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù Đà Nẵng cho phép nhiều hoạt động đời sống, sản xuất kinh doanh trở lại, nhưng người dân vẫn còn khó khăn đi lại. Ảnh: T.C

Đà Nẵng nới lỏng nhiều hoạt động, nhưng chủ trương còn xa thực tiễn

Thanh Hải LDO | 15/09/2021 12:06

Sau gần 1 tháng thực hiện phong tỏa cứng toàn thành phố để chống COVID-19 theo nguyên tắc "nội bất xuất ngoại bất nhập", từ ngày 16.9, Đà Nẵng đã nới lỏng cho nhiều hoạt động trở lại. Tuy vậy, thực tế, người dân còn rất nhiều trở ngại để có thể ra đường, sinh hoạt, làm việc.

Căn cứ trên tình hình kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất từ sau 8 giờ ngày 16.9 sẽ nới lỏng rất nhiều hoạt động đời sống và sản xuất, dạy và học... cho phép thêm nhiều người dân, đối tượng được đi lại, làm việc.

Để có đủ thời gian cho việc cấp giấy phép đi đường có mã QR Code và người dân cũng chuẩn bị được nguyên vật liệu, sửa soạn cửa hàng cửa hiệu để mở bán trở lại... từ ngày 14, 15.9, chính quyền và các ngành liên quan đã liên tục có nhiều quyết định, thông báo, hướng dẫn tương đối chi tiết cho dân. Trong đó, quy định các lĩnh hoạt động, các đối tượng được ra đường kèm với điều kiện phòng dịch bắt buộc.

Ví như, người dân ở vùng vàng được đi chợ 5 ngày 1 lần, người dân ở vùng xanh đi chợ 3 ngày 1 lần. Một số hoạt động ở nhà máy, cơ quan, bưu chính, cảng biển... cũng được bố trí người làm việc từ 50% đến tối đa nhân lực.

Người dân được đến các cửa hàng này trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố. Trường hợp cần thiết đi ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố thì phải có giấy đi đường do UBND phường, xã cấp.

Tương tự, các lĩnh vực hoạt động cửa hàng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe gắn máy, xe ôtô, bưu chính, viễn thông, báo chí, ngân hàng, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga đường sắt, trạm quản lý đường bộ, các hoạt động của cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, điện, nước, xăng dầu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp... đều có hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Nhưng tất cả sự rõ ràng, chi tiết ấy chỉ mới là lý thuyết, trên chủ trương, còn thực tế vẫn còn nhiều rào cản, bất khả thi. Chẳng hạn, các công trình xây dựng dân dụng được hoạt động trở lại, nhưng với quy định người vùng xanh chỉ được di chuyển nội vùng thì lấy đâu ra thợ, vật tư để phục vụ việc xây dựng, sửa chữa nhà? Tương tự, nếu hỏng điện thoại, máy tính thì không thể di chuyển ra khỏi nội vùng để mua, sửa chữa. Thực tế, không phải tổ dân phố, phường, xã nào cũng có đủ đầy các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân...

Trong khi đó, quy định cấp giấy đi đường có mã QR Code cũng chỉ hướng dẫn cấp, bổ sung đối với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị... mà các sở, ngành quản lý, kiểm soát được. Tức "nắm người có tóc". Vậy những lao động phổ thông, những người buôn bán nhỏ, hàng quán, ngư dân, nông dân, thợ xây dựng tự do... làm sao có được giấy đi đường? Vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực dù cho phép hoạt động lại, nhưng không triển khai được trên thực tế.

Tất nhiên, với những chính sách tạm thời, trong mùa dịch không thể đòi hỏi đủ đầy, đáp ứng toàn diện, nhưng vấn đề là chính quyền cần sớm khảo sát thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định đời sống, tái khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế trong điều kiện đảm bảo phòng và kiểm soát dịch bệnh một cách thuận tiện và bình đẳng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn