MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời tiết ẩm thấp nên các thiết bị điện tử rất dễ bị hư hỏng. Ảnh: Tấn Tài

"Đặc sản" miền Bắc quay trở lại: Ám ảnh với cảnh nồm ẩm

Phương Trang LDO | 03/02/2023 08:20

Sau Tết Nguyên đán, thời tiết miền Bắc đã bắt đầu bước vào những ngày mưa phùn, nồm ẩm. Nhiều gia đình đau đầu không biết xử lý nền nhà, cửa kính bị hấp hơi như thế nào.

Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của miền Bắc, thường xuất hiện vào cuối mùa đông đầu mùa xuân. Thời tiết này gây ra tình trạng sàn nhà ẩm ướt, gây bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi, Thanh Hoá) than trời vì sàn nhà lúc nào cũng ẩm ướt, nhớp nháp như vừa mới lau.

Vài ngày trở lại đây, khu vực phơi đồ nhà chị Ngọc Anh lại chật cứng do thời tiết nồm ẩm khiến quần áo phơi cả tuần không khô và có mùi hôi khó chịu do nấm mốc sinh sôi.

Chị Ngọc Anh thường mang quần áo vào nhà, dùng quạt thổi mạnh hay máy sấy, bàn là cho khô. Dù cách nào, mùi quần áo không có nắng vẫn rất ám ảnh. Không còn cách nào khác, chị đành treo quần áo bẩn ở trong phòng đợi khi đồ ngoài sân phơi khô mới đem “mẻ” quần áo bẩn đi giặt tiếp.

“Dù năm nào gia đình tôi cũng phải “chống chọi” với mùa ẩm ướt này nhưng tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi, chẳng thể nào thích ứng được” - chị Ngọc Anh than vãn.

Năm ngoái, con trai chị Ngọc Anh bị trượt chân ngã vài lần khi đi lại trong nhà khiến chị vô cùng lo lắng. "Con trai tôi rất hiếu động, hay chạy nhảy trong nhà. Khi thời tiết mưa ẩm, sàn nhà dễ trơn trượt thằng bé đã bị ngã mấy lần. Tôi phải nhắc nhở con liên tục về việc đi đứng cẩn thận vào thời điểm này”, chị Ngọc Anh nói.

Vào những ngày sàn nhà “đổ mồ hôi”, chị Ngọc Anh chỉ biết lau nhà bằng giẻ khô, và hạn chế việc đi lại. Bên cạnh đó, chị còn mua dép đi trong nhà cho đỡ “ghê chân” và tránh trơn trượt. 

Có thể do thời tiết ẩm thấp, tạo điều kiện cho các vi trùng, vi khuẩn sinh sôi nên cứ tới thời điểm này, bé trai nhà chị Ngọc Anh thường xuyên bị cảm cúm, sốt, ho. Còn người lớn thì cảm thấy toàn thân đau mỏi, người rất khó chịu.

“Vào những ngày thời tiết ẩm ướt đồ ăn rất dễ bị hư hỏng đặc biệt là thực phẩm khô nên tôi bảo quản rất kĩ. Hành, tỏi, gừng tôi thường đem cất ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh trường hợp bị nấm mốc vứt đi rất phí” - chị này chia sẻ.

Anh Phạm Tấn Tài (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về sự cố bị điện giật khi cắm nồi cơm điện do độ ẩm cao. Mặc dù chỉ bị tê tay nhẹ nhưng đây cũng là nỗi ám ảnh của anh Tài mỗi khi trời nồm.

Anh Tài nói: “Thời tiết mùa này muốn soi gương cũng khó. Gương nhà tôi bị ẩm ướt cả ngày. Mỗi lần tôi muốn soi gương lại phải lấy giẻ lau sạch thì mới có thể sử dụng được”.

Anh Tài cố gắng sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng để không bị ẩm mốc. Bên cạnh đó, anh cũng phải dùng máy sấy tóc để hong khô quần áo đang còn ẩm trước khi mặc.

“Mấy ngày trời nồm, tôi không dám thay nhiều quần áo. Đồ bẩn tôi thay ra đều treo lên móc cẩn thận. Quần áo giặt rất lâu khô, cảm giác không khô tuyệt đối” – anh Tài hài hước chia sẻ.

Sàn nhà luôn trong tình trạng nhớp nháp. Ảnh: Tấn Tài

Năm ngoái, do thời tiết nồm ẩm quá nhiều nên tivi nhà anh Tài bị chập chờn, xuất hiện những vạch xanh, vạch đỏ. Lúc ấy, đang giãn cách xã hội do COVID-19 nên anh Tài không thể gọi thợ tới sửa ngay được. 

Để đối phó với tình hình ẩm ướt, anh Tài đã bật điều hoà chế độ khô nhưng không ăn thua. Chỉ cần dừng hoạt động là nền nhà đâu lại vào đó. “Không bật điều hoà thì mùi ẩm mốc, sàn nhà ướt nhẹp, khó chịu. Bật điều hoà cả ngày thì xót tiền điện vô cùng”, anh Tài cho hay.

“Đối với các thiết bị điện không hay sử dụng đến, tôi sẽ lấy tấm vải mỏng che phủ lên bề mặt đồ dùng, hạn chế hư hỏng. Trước khi cắm các thiết bị điện, tôi sẽ lau khô tay và ổ cắm điện tránh trường hợp bị điện giật như năm ngoái” – anh Tài tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn