MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình livestream quảng bá, tiêu thụ các đặc sản của tỉnh Nghệ An trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Kim Oanh

Đặc sản xứ Nghệ lên ngôi dịp Tết Nguyên đán

QUANG ĐẠI LDO | 12/02/2024 11:53

Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều đặc sản xứ Nghệ được săn đón, bán rất chạy, đem lại nguồn thu nhập khá cho chủ cơ sở sản xuất và người lao động.

Ngày 12.2, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Châu, chủ cơ sở sản xuất giò me Châu Hường (xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cho biết dịp Tết Nguyên đán năm nay, cơ sở bán được hơn 20 tấn giò me, đem lại nguồn thu nhập khá cho chủ cơ sở và 15 lao động thường xuyên.

“Vì giò me chất lượng cao, thơm ngon, là đặc sản nổi tiếng nên người dân mua về sử dụng và làm quà biếu rất nhiều trong dịp Tết. Ngoài việc bán cho các cá nhân và đại lý, cơ sở còn nhập hàng cho siêu thị. Từ 8 năm nay, siêu thị Go! Vinh (trước đây là Big C Vinh) đã nhập giò me của cơ sở chúng tôi” – bà Nguyễn Thị Châu cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hường giới thiệu đặc sản giò me với lãnh đạo và quan khách. Ảnh: Hải Đăng

Anh Lê Văn Tuyến, quê xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hiện nay trú ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết trước đây anh được ăn giò me Nam Nghĩa thấy ngon, nên giới thiệu cho bạn bè ăn, sau thấy nhu cầu tăng nhiều nên anh đứng ra mở đại lý để bán cho khách hàng ở Hà Nội.

“Giò me Nam Nghĩa thơm ngon, ăn không ngán, để được lâu nên rất thích hợp làm quà biếu, thức ăn ngày Tết” – anh Tuyến cho biết.

Theo anh Tuyến, có rất nhiều đặc sản xứ Nghệ được thực khách thủ đô và cả nước ưa chuộng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán như trà sen Kim Liên, bò giàng Kỳ Sơn, hương trầm Quỳ Châu, nước mắm Cửa Hội, măng đắng, thịt chua, cải mẹo, bí xanh, nếp nương, rượu men lá…

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều làng nghề, hộ dân sản xuất đặc sản ở Nghệ An tất bật sản xuất, chế biến, đóng gói…để phục vụ khách hàng tiêu dùng và làm quà biếu, tặng trong dịp Tết.

Cơ sở sản xuất đặc sản bò giàng, thịt gác bếp của chị Trương Thị Bảo (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) bình thường mỗi tuần làm 2 mẻ từ 200 - 300 kg thịt tươi sống. Những ngày sát Tết, lượng thịt tăng gấp 3 lần bình thường nên cơ sở phải thuê thêm lao động.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, xuất phát từ những loại hàng hóa được sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, dần khẳng định vị thế và thương hiệu trên thị trường.

Trong đó, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu..

Sau 5 năm triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm - OCOP", hiện Nghệ An đã có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, bao gồm 1 sản phẩm 5 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 380 sản phẩm hạng 3 sao. Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội).

Theo TS Bùi Minh Hào (Tạp chí Sông Lam), việc cung cấp các đặc sản của xứ Nghệ ra thị trường không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn góp phần quảng bá, lan tỏa, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa xứ Nghệ đến với người dân trong nước và thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn