MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại gia, nghệ sĩ livestream thoá mạ: Khi nào mới có văn hoá tranh luận?

Bảo Hân LDO | 16/06/2021 14:41
Từ các vụ livestream, nghệ sĩ phát ngôn tục tĩu trên Facebook, câu hỏi đặt ra là đến khi nào chúng ta mới có văn hoá tranh luận thực sự?

Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít những trường hợp khởi điểm ban đầu chỉ là tranh luận do không đồng nhất về quan điểm, cách nhìn, nhưng mọi chuyện nhanh chóng đi theo chiều hướng tệ hại khi những người trong cuộc dần rời xa tranh luận mà đi vào tấn công cá nhân, hạ nhục nhau bằng những lời lẽ tục tĩu, coi thường.

Sự kiện thu hút dư luận gần đây nhất là các buổi livestream của một nữ doanh nhân. Phải thừa nhận một điều, từ nội dung các buổi livstream "bóc phốt" của nữ doanh nhân này, dư luận đã biết đến được “mảng tối” của một số nghệ sĩ. Nhưng điều này không thể che lấp được sự thiếu văn hoá tranh luận trong các buổi livestream.

Tôi có xem và chú ý đến một đoạn có thể nêu ra để làm ví dụ của “biến tướng tranh luận”. Đó là khi một bình luận cho rằng nữ doanh nhân này “nổ xuyên lục địa” khi tuyên bố mua 15 triệu liều vaccine để phục vụ cho bà con.

Nữ doanh nhân này lúc đầu phản ứng rất… tranh luận: “Chuyện thiện nguyện là tôi đóng góp theo khả năng của chúng tôi, không có tiền mặt thì cống hiến tài sản”. Nếu nữ doanh nhân này tiếp tục sử dụng những lập luận để phản bác lại quy kết “nổ”, như: Khẳng định khả năng về tài chính của mình; đưa ra một kế hoạch cụ thể để mua vaccine… để chứng minh lời tuyên bố của mình thì rất tuyệt vời.

Nhưng ngay sau đó, nữ doanh nhân chuyển sang công kích cá nhân: Đề nghị anh ra khỏi kênh livestream bởi không đáng tư cách là… một người đàn ông mà đi chửi phụ nữ làm thiện nguyện; rồi “anh đã làm gì cho đất nước này, làm gì cho gia đình, dòng họ, bà con của anh mà anh kêu tôi “nổ” xuyên lục địa". Tiếp đó, nữ doanh nhân bình luận “não chị hơi bị ngắn”, "chị có tư cách gì mà truy cứu” trước câu hỏi của một nữ độc giả khác…

Là người nổi tiếng, nữ doanh nhân phải chấp nhận một điều là bà sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, soi mói của dư luận hơn. Từ sự quan tâm, soi mói đó, nếu bà tranh luận một cách sòng phẳng dựa trên những dữ kiện, lập luận cụ thể thì chắc chắn sẽ nhận được sự quý mến, trân trọng hơn rất nhiều so với dùng những lời lẽ nặng nề như vậy với những người đặt câu hỏi.

Một ví dụ khác, cũng liên quan, đó là trường hợp Facebook của nghệ sĩ Đ.H, khi bình luận về một nhân vật (được cho là về nữ doanh nhân nổi tiếng trên) đã dùng những lời lẽ mạt sát, như: ngu xuẩn, ngông cuồng… Đây cũng là một ví dụ về việc tấn công cá nhân, hạ nhục người khác (mà nữ doanh nhân kia đến lượt lại là nạn nhân). Nếu nội dung này chỉ bình luận về tính đúng - sai, đưa ra nhận định của bản thân, thì chắc chắn đã không phải nhận sự phản ứng nặng nề của dư luận đến vậy.

Ai cũng có quyền phát ngôn, bình luận, nhưng điều đó phải dựa trên những sự phân tích, lập luận, chứ không phải là những lời lẽ nguỵ biện, đánh tráo khái niệm, hay mức cao hơn nữa là xúc phạm, hạ nhục người khác. Điều đó không giúp ích gì cho tranh luận, làm sáng rõ các vấn đề, mà chỉ để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, làm gia tăng sự thù ghét, công kích nhau trên mạng và ngoài đời thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn