MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đắk Lắk: Có 46 trong số 112 công trình cấp nước sạch không hoạt động

BẢO TRUNG LDO | 14/05/2020 15:58

Tỉnh Đắk Lắk hiện đang có rất nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí, chưa mang lại lợi ích cho người dân cũng như mục đích đề ra khi khởi công xây dựng...

Hiện, toàn tỉnh Đắk Lắk có 112 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư hoàn chỉnh nhưng có đến 46 công trình không hoạt động (6 công trình kém hiệu quả).

Các công trình cấp nước không còn hoạt động chiếm đến gần 50% tổng số. Qua đó, dễ nhìn thấy được thực trạng việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch ở một số vùng nông thôn tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều bất cập.

Chính quyền nhiều địa phương chưa ''cân đo đong đếm'' kỹ tính khả thi của dự án trước khi bắt đầu khởi công.

Đắk Lắk đang có hơn 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trong mùa khô hạn. Ảnh: Bảo Trung

Và hậu quả nhãn tiền đó là đến mùa khô hạn, bà con nhiều vùng vẫn ''khát'', dùng cả nước nhiễm phèn để nấu ăn hoặc phải lặn lội đi cả chục cây số kiếm nguồn nước sạch (các mạch nước ngầm) đem về dùng. Trong khi đó, nhà máy cấp nước sinh hoạt ở địa bàn thì hỏng hóc, đang sửa chữa hoặc đã bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.  

Một công trình cấp nước sinh hoạt bỏ hoang ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Công Phong

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động không hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng hay ngưng hoạt động là do có nhiều chủ đầu tư khác nhau.

Có chủ đầu tư chưa có chuyên môn, dẫn đến nhiều bất cập ngay từ khi lập, phê duyệt dự án, thiết kế công trình. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành một số công trình chưa được chú trọng đúng mức so với số tiền bỏ ra xây dựng.

Lãnh đạo BQL dự án huyện Krông Búk cũng từng thừa nhận rằng, công trình cung cấp nước sạch ở xã Ea Sin được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho UBND huyện xây dựng, cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép. Sau đó, UBND huyện giao lại cho đơn vị tư nhân làm chủ đầu tư.

Khi xây xong đơn vị báo cho UBND huyện tiến hành nghiệm thu công trình. Sau đó, chính quyền huyện gửi văn bản cho UBND tỉnh xem xét thống nhất bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) Đắk Lắk vận hành quản lý (đúng theo quy trình).

Công trình cấp nước sạch hơn chục tỉ đồng ở xã Ea Sin. Ảnh: Bảo Trung

Ông Phạm Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Đắk Lắk nêu quan điểm, để các công trình cấp nước sinh hoạt ở địa phương hoạt động hiệu quả vẫn nên để chủ đầu tư xây dựng, đồng thời kiêm thêm việc tổ chức vận hành sau khi hoàn thành.

Nếu không phải mời đơn vị vận hành cử người có trách nhiệm tham gia vào BQL dự án, trực tiếp giám sát đầu tư công trình. Cần ưu tiên xây dựng các công trình quy mô liên thôn, liên xã hạn chế làm các công trình nhỏ lẻ, tránh xây xong hoạt động không hiệu quả, tốn kém tiền của.

Ngoài ra, trước khi cơ quan chức năng cấp phép xây dựng, phải rà soát, đánh giá kỹ tính khả thi của dự án.

Hiện, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cập nhật thông tin Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn, hàng năm trên địa bàn tỉnh và phải báo cáo kết quả chi tiết về UBND tỉnh, Bộ NNPTNT.

Trong bộ chỉ số này, có chỉ số thống kê tỷ lệ các công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động hiệu quả, bền vững, theo các cấp độ: bền vững, tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện tốt vấn đề nêu trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn