MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đắk Lắk liên tục xử lý hình sự cán bộ tiếp tay lâm tặc phá rừng

BẢO TRUNG LDO | 16/10/2021 12:00

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa xử lý hình sự nhiều cán bộ kiểm lâm vì tiếp tay với lâm tặc phá rừng, trục lợi bất chính. Việc mạnh tay xử lý nhóm cán bộ biến chất này nhằm mục đích làm trong sạch bộ máy, răn đe những người khác để giữ rừng.

Nhiều cán bộ bị xử lý

Trạm phó Trạm kiểm lâm số 5 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ông Vương Thế Cao (SN1981) và Hoàng Công Nhật (SN 1978, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) vừa bị cơ quan chức năng huyện Ea Kar đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ” hôm 13.10.

Theo điều tra ban đầu, Hoàng Công Ý (SN 1974, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) bàn bạc với Cao "tạo điều kiện" cho nhóm lâm tặc ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) vào tiểu khu 618, 622 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ với quy mô lớn.

Số tiền thu được từ việc bán gỗ các bên đã chia chác với nhau.

Tháng 7 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Công Ý cũng  về tội “Nhận hối lộ”.

Nhóm lâm tặc phá rừng Khu bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô hồi cuối năm 2020. Ảnh: T.X

Như vậy, liên quan đến vụ phá rừng ở khu bảo tồn trên đã có 2 cán bộ kiểm lâm đã vướng vào vòng lao lý. Cuối tháng 4.2021, VKSND huyện Ea Kar đã phê chuẩn quyết định khởi tố 37 bị can (tất cả các bị can đều trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp lực quá lớn

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Riêng về vụ án này, sau khi nắm bắt tình hình, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô Lê Minh Tiến đã báo cáo ngay với tôi. Tôi đã chỉ đạo anh Tiến phải củng cố hồ sơ gửi cho Công an huyện Ea Kar nắm bắt, sớm khởi tố, xử lý các đối tượng liên quan.

Ngay cả trong các cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi cũng đề nghị Giám đốc Công an tỉnh lúc đó là anh Lê Văn Tuyến chỉ đạo cấp dưới làm quyết liệt vụ này vì đây là đường dây phá rừng rất lớn, liên tỉnh. Bất kể là ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm để làm gương, răn đe những người khác. Qua đó, làm trong sạch bộ máy và cũng là cơ hội để giáo dục chính trị cho cán bộ, nhân viên ngành lâm nghiệp".

Cơ quan chức năng kiểm đếm gỗ lâm tặc khai thác trái phép ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Ảnh: T.X

Người đứng đầu ngành nông, lâm nghiệp Đắk Lắk cho rằng: Qua đây, có thể thấy được khó khăn của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ rừng ở Đắk Lắk, áp lực là rất lớn. Địa hình tỉnh rộng, bằng bằng, nhiều cánh rừng quý trong khi cơ chế chính sách, phương tiện điều kiện để cán bộ, nhân viên thực thi nhiệm vụ còn nhiều tồn tại bất cập, hạn chế.

Đặc biệt, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ rừng hiện chỉ đáp ứng 30% so với nhu cầu thực tế (300.000 đồng/ha/năm) và nên trao quyền cho lực lượng kiểm lâm, chủ rừng để họ trấn áp lâm tặc khi cần thiết. Nhà nước cần quan tâm, sớm giải quyết vấn đề này và phải nhìn nhận vào thực tế đừng để khi mất rừng lại đổ lỗi hoàn toàn cho địa phương.

Ông Dương thông tin thêm: Thời gian qua, nhiều cán bộ trong ngành lâm nghiệp ở địa phương này rất sợ giao làm công tác bảo vệ rừng vì áp lực trách nhiệm quá lớn nhưng quyền lợi, điều kiện thực thi nhiệm vụ thì hạn chế.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải vất vả kiện toàn nhân sự 4 công ty lâm nghiệp, hết mời gọi đến đe dọa kỷ luật nhưng rồi không ai dám gánh vác trách nhiệm. Có người mới nhận nhiệm vụ không lâu đã đâm đơn xin nghỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn