MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi học của các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Bảo Trung

Đắk Lắk: Trường THCS Lương Thế Vinh có lạm thu?

BẢO TRUNG LDO | 25/09/2020 08:23
Lao Động nhận được đơn khiếu nại của tập thể phụ huynh học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phản ánh việc trường thu một số loại phí đầu năm không đúng quy định, đã gây ra nhiều khó khăn cho người lao động thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số... Sau đó, các bên trực tiếp liên quan đã liên tiếng phản hồi về vấn đề này.

Tố nhà trường lạm thu

Cụ thể, vào ngày 12.9 vừa qua, các phụ huynh có con em đang theo học ở Trường THCS Lương Thế Vinh được Ban Giám hiệu nhà trường mời tham dự buổi họp đầu năm. Tại buổi họp, các phụ huynh đã được cô giáo chủ nhiệm thông báo về tình hình chung của trường, lớp và các khoản đóng góp đầu năm.

Trong đó, nhà trường tiến hành thu học phí các môn tăng cường gồm Toán, Văn, Tiếng Anh và Kỹ năng sống với mức 300.000 đồng/tháng, tức 2,4 triệu đồng/năm (trừ những tháng nghỉ hè). Tuy nhiên, trong quá trình họp, các phụ huynh không được thảo luận về vấn đề tổ chức học tăng buổi cũng như mức tiền học phí các môn kể trên. Phía nhà trường còn bắt buộc tất cả học sinh (HS) lớp 6 phải tham gia.

Với mức thu học phí kể trên, mỗi tháng, HS sẽ có khoảng 8-10 tiết học (mỗi tiết từ 8.000 -10.000 đồng). Riêng đối với môn Kỹ năng sống, nhà trường thu phí 60.000 đồng/tháng (bình quân học phí mỗi tiết từ 6.000-8.000 đồng) là vi phạm Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND do UBND Tỉnh Đắk Lắk ban hành hồi tháng 2.2013. Cụ thể, ở chương II mục 1 điều 6 của quyết định trên nêu rõ, mức thu tiền học thêm trong nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường nhưng không quá 4.000 đồng/tiết/HS ở khối THCS.

Ngoài ra, nhà trường còn phát động ủng hộ dưới hình thức bắt buộc để mua 3 chiếc tivi với số tiền 135 triệu đồng (45 triệu đồng/chiếc) và hệ thống loa đài phục vụ chào cờ (khoảng 140 triệu đồng) nhưng không có sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh.

Các bên liên quan phản hồi ra sao?

Bà Phan Thị Bích Mười - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh - cho hay, đơn vị tổ chức dạy tăng cường các môn Toán, Văn, Tiếng Anh văn và Kỹ năng sống 2 buổi/ngày nằm trong văn bản đã ban hành trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo HS. Nhà trường thực hiện cách làm này đúng theo quy trình. Ví như, tổ chức họp thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS); tuyên truyền cho phụ huynh HS trong buổi họp đầu năm về ích lợi của việc dạy 2 buổi/ngày. Sau đó, trường còn lấy ý kiến của phụ huynh rồi gửi tờ trình đính kèm theo các văn bản liên quan để xin Phòng GDĐT cho phép triển khai theo quy định.

Hiện, đơn vị vẫn chưa dạy học 2 buổi/ngày cho HS lớp 6 và cần nhấn mạnh rằng, đây không phải là tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, nhà trường không có chủ trương yêu cầu bắt buộc giáo viên chủ nhiệm thu học phí các môn tăng cường từ phụ huynh. Trước đó, một số trường ở TP.Buôn Ma Thuột đã triển khai mô hình trên và đơn vị đã tham khảo cách thức tổ chức và mức thu học phí để áp dụng lại cho phù hợp, bà Mười thông tin.

Ông Dương Đình Long - Chánh Thanh tra Sở GDĐT Đắk Lắk - nhận định, nếu phía nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm và thu học phí ở mức trên 4.000 đồng là trái với quy định hiện hành. Tuy vậy, đối với việc dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường có thể đưa ra mức thu học phí khi có sự bàn bạc thỏa thuận với Ban đại diện CMHS cũng như tình hình nhân sự đang có để ban hành mức thu thỏa đáng rồi trình Phòng GDĐT nghiên cứu phê duyệt. Nếu trường nào đang thiếu hụt giáo viên thì vẫn có thể điều chỉnh mức thu để ‘’động viên’’ các thầy, cô nhưng phải nằm ở mức cho phép.

Tiếp nhận thông tin phản ánh của PV Báo Lao Động, Trưởng Phòng GDĐT TP. Buôn Ma Thuột Mai Thị Hồng Hà đã ngay lập tức cử đoàn công tác về làm việc với Ban đại diện CMHS, lãnh đạo Trường THCS Lương Thế Vinh để xác minh, làm rõ vấn đề nêu trên.

Kết thúc buổi làm việc, bà Ralan Trương Thị Ánh Kim - Phó Trưởng Phòng GDĐT TP.Buôn Ma Thuột - bày tỏ, Trường THCS Lương Thế Vinh vẫn chưa đủ điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định. Tờ trình xin phép được dạy 2 buổi/ngày của nhà trường vẫn đang chờ phê duyệt và phía đơn vị chưa tổ chức dạy học. Học phí 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh ở mức 8.000-10.000 đồng là do Ban đại diện CMHS chủ động đề xuất tăng thêm vì hạn mức theo quy định hiện hành quá thấp. Có trường THCS ở địa bàn thành phố vẫn thu học phí 10.000 đồng/tiết khi áp dụng dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, phía nhà trường còn đồng ý miễn giảm học phí cho HS dân tộc thiểu số, hộ nghèo hay có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Bên cạnh đó, nhà trường dạy môn Kỹ năng sống nằm trong mô hình dạy học STEMS đang được triển khai theo quy định (60.000 đồng/tháng) là không sai. Còn đối với các khoản thu để mua tivi và hệ thống loa đài phục vụ chào cờ là do Ban đại diện CMHS kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ vì cơ sở vật chất của trường đang xuống cấp. Việc thực hiện đầu tư trang thiết bị được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, áp dụng theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bà Kim nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn