MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Ảnh Bảo Trung

Đắk Nông: Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia thu thêm tiền... ''giữ trẻ''?

BẢO TRUNG LDO | 07/10/2020 14:49

Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) dự tính thu một loạt khoản phí bất hợp lý trong năm học 2020-2021 trong đó, nổi cộm nhất đó là khoản phí ''trông giữ trẻ''.

Nhiều khoản thu khiến phụ huynh sửng sốt

Thông tin phản ánh đến Lao Động, phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cho hay, khi họp phụ huynh cho con hồi đầu năm học mới, nhà trường công bố một loạt các khoản thu khiến các phụ huynh sửng sốt. Trong đó, có rất nhiều khoản thu bất hợp lý như tiền học tăng tiết; tiền cải tạo, sửa chữa, xây dựng, trang thiết bị...

Theo đó, tiền học tăng tiết đối với học sinh lớp một là 1.000.000 đồng cộng thêm 200.000 đồng tiền học môn tiếng Anh. Riêng đối với khối lớp 2,3,4,5 chỉ riêng tiền học tăng tiết cũng lên đến 800.000 đồng.

Ngoài ra, phía nhà trường còn tiếp tục thu tiền cải tạo, sửa chữa, xây dựng, trang thiết bị... với số tiền cao ngất ngưởng 700.000 đồng/học sinh (lớp 1) và 520.000 đồng/học sinh (các khối lớp còn lại). Theo phản ánh của phụ huynh, dù đây là khoản thu theo thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc nhưng nhà trường vẫn bắt phụ huynh đóng góp.

Dự thảo các khoản thu đầu năm học 2020-2020 của trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Ảnh: Bảo Trung

Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh có con theo học ở trường kể trên còn phải tiếp tục ''cõng'' thêm các khoản phí như quỹ hỗ trợ hoạt động giáo dục (200.000 đồng/học sinh); quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh (50.000 đồng/học sinh).

Như vậy, nhẩm tính phụ huynh có con học lớp 1 ở trường này phải nộp cho nhà trường tổng cộng hơn 3,7 triệu đồng và khoảng 2,7 triệu đồng đối với học sinh các khối lớp còn lại.

Phụ huynh tính tiền phải đóng cho con khi bước vào năm học mới. Ảnh: Bảo Trung

Một phụ huynh cho biết, nhà trường không nhắc đến khoản thu tăng tiết vào dự thảo các khoản thu đầu năm học 2020-2021 nhưng vẫn bắt phụ huynh nộp và không có biên lai thu nhận. Người dân trong xã đa số làm nông, hoàn cảnh nhiều người rất khó khăn, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để nộp học cho con em. Một số người còn gắng đi vay mượn để cho cháu đến lớp.

Chỉ là tiền ''trông trẻ''?

Trả lời phóng viên, ông Phùng Văn Hiệu - Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân - cho rằng, đơn vị không hề tổ chức học tăng tiết và phía nhà trường trước đây cũng không hề tổ chức cách làm này. Các khoản thu tăng tiết 1.000.000 đồng/học sinh (lớp 1) và 800.000 đồng/học sinh (các khối lớp còn lại) là không có thật.

Bản thu viết tay được cho là của một giáo viên chủ nhiệm nhà trường có đề cập đến học tăng tiết. Ảnh: T.X

PV trình ảnh giấy viết tay được cho là của một thầy giáo chủ nhiệm ở nhà trường viết và ghi rõ cộng thêm tiền thu tăng tiết. Ông Hiệu xem qua, lắc đầu nói: ''Không biết!''.

Sau đó, PV tiếp cận thêm được biên bản ''Họp bất thường'' của phụ huynh với lãnh đạo nhà trường. Trong đó, rất nhiều ý kiến của phụ huynh đề cập đến việc dạy tăng tiết.

Biên bản buổi ''Họp bất thường'' giữa phụ huynh và nhà trường. Ảnh: Bảo Trung

Ông Hiệu lại cho rằng: ''Đây có lẽ là tiền giữ trẻ. Một số lớp tan học buổi chiều về sớm, bố mẹ đi làm rẫy chưa kịp đón con em nên thỏa thuận với giáo viên chủ nhiệm đóng tiền để trông giữ các cháu. Riêng tiền học môn tiếng Anh là do phụ huynh đề xuất trường thuê giáo viên về dạy cho các em''.

Riêng khoản thu tiền cải tạo, sửa chữa, xây dựng, trang thiết bị... được giải thích là do nhà trường vận động trên tinh thần tự nguyện, không ép phụ huynh đóng. Tờ trình các khoản thu đầu năm học 2020-2021 của phía nhà trường vẫn đang chờ Phòng GDĐT huyện Đắk Song duyệt.

Trong khi đó, đại diện Phòng GDĐT huyện Đắk Song lại cho rằng, những năm trước phía trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân có tổ chức dạy tăng tiết nhưng ai có nhu cầu mới thực hiện. Còn đối với khoản thu tiền cải tạo, sửa chữa, xây dựng, trang thiết bị... thì cũng không bắt buộc phụ huynh nộp, chỉ trên tinh thần tự nguyện. Đơn vị sẽ vào cuộc kiểm tra, xác minh lại.

Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đang là trường đạt chuẩn quốc gia, gồm có 2 cơ sở với 20 lớp học. Năm học 2020-2021, phía nhà trường có tổng cộng gần 600 em học sinh. Trong đó, có 125 em lớp 1 và khoảng 470 em khối lớp 2, 3, 4, 5. Hiện, nhà trường có 30 giáo viên bộ môn đứng lớp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn