MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dân khốn khổ vì đập ngăn mặn bất ngờ bị phá

TRẦN LƯU LDO | 17/04/2020 11:30
Đang yên ổn canh tác, hàng trăm nhà vườn bất ngờ lâm vào cảnh khốn đốn vì con đập ngăn mặn bị phá, khiến nước mặn tràn vào gây thiệt hại nặng nề đến vườn cây ăn trái…

Phá đập ngay cao điểm hạn mặn...

Những ngày qua, hơn 450 nhà vườn ở ấp An Hòa, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bức xúc khi đập ngăn mặn Cái Sơn bị phá, làm nước mặn tràn vào gây thiệt hại nghiêm trọng đến vườn cây ăn trái.

Ông Lê Tấn Phi, người dân địa phương cho biết: Từ đầu mùa hạn mặn, con đập này phát huy hiệu quả rất tốt, giúp người dân bảo vệ vườn cây ăn trái. Vào trưa 16.3, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã đến thị sát đập này và chỉ đạo UBND huyện Cái Bè phải đắp thêm 1 con đập phía trong đập ngăn mặn hiện hữu, ở nơi hẹp nhất của rạch Cái Sơn, tạo thành ao chứa và bơm nước ngọt từ sà lan cung cấp, phục vụ nhu cầu của người dân.

“Đến chiều cùng ngày, UBND huyện cho sà lan chở máy đào đất đến, rồi phá đập để sà lan đi vào rạch, đắp con đập bên trong. Vậy là nước mặn từ sông Tiền tràn vào. Bức xúc hơn, con đập mới đắp để giữ ngọt cũng vô tác dụng vì bị nhiễm nước mặn nên cũng phải phá bỏ. Bây giờ, cứ thủy triều lên thì nước mặn từ sông Tiền tràn qua con đập bị phá vào sâu trong rạch, gây ngập toàn bộ các vườn cây ăn trái đặc sản của ấp”, ông Phi kể.

Khu vực hiện trường đập ngăn mặn bị đập phá. Ảnh: H.A

Tương tự, ông Nguyễn Văn Cam (ấp An Hòa) có vườn sầu riêng rộng 9,5ha. Những ngày qua, ông phải mở máy 24/24 để bơm nước mặn ra ngoài cứu vườn cây. Thế nhưng, vườn sầu riêng đang bị suy thoái và có nguy cơ chết sạch vì nhiễm nước mặn, thiệt hại phải tính bằng tiền tỉ”.

Còn ông Phạm Thanh Cường, chủ vườn mít Thái và sầu riêng ở tổ 10, cho biết, từ khi đóng cống ngăn mặn thì các con mương trong vườn cây dần khô cạn, nhà vườn trong ấp phải đi mua nước ngọt với giá vài chục ngàn đồng/m3 để tưới cây cầm cự. Nhưng hơn nửa tháng qua nhiều vườn cây bắt đầu suy thoái và chết dần.

Phải làm rõ, bồi thường cho dân

Toàn ấp An Hòa có 170ha vườn cây ăn trái, trong đó có khoảng 80ha sầu riêng đang cho thu hoạch, còn lại là mít Thái và một số cây trồng khác. Trong đó, sầu riêng chỉ chịu được nước mặn có nồng độ dưới 0,5g muối/lít, cây mít Thái chịu được độ mặn chỉ hơn 1g/lít, nhưng hiện nay nước mặn từ 1-3g đã thấm sâu vào đất dưới chân vườn, nên sau đợt thiệt hại này việc cải tạo, khôi phục vườn cây ăn trái sẽ rất khó khăn.

Theo người dân, những người phá đập ngăn mặn cho rằng họ thực hiện chỉ đạo của cấp trên, phá bỏ đập để… đặt cống. Nhưng đơn vị thi công không hề có thông báo trước để người dân chuẩn bị, gia cố cống bọng trong vườn ngăn nước mặn, nên không ai kịp trở tay.

Vườn cây ăn trái của người dân héo khô vì bị nước mặn tràn vào. Ảnh: H.A

Ông Võ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp, cho biết đã nắm được bức xúc của người dân. Công trình này của Ban Quản lý dự án huyện Cái Bè đầu tư thi công, phá đập ngăn mặn không hiệu quả để đặt ống cống tròn. UBND xã đã báo cáo tình hình dân phản ứng công trình vì bị thiệt hại với UBND huyện.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, thì nói: “Chi cục Thủy lợi rất bất ngờ và không không biết việc phá đập, sẽ cho kiểm tra ngay”. Khi PV liên hệ với UBND huyện Cái Bè để làm rõ vụ việc thì không liên hệ được.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tấn (Tiền Giang), trước mắt UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan hữu trách cần phải xác minh làm rõ cá nhân, tổ chức nào đứng sau hành vi phá đập ngăn mặn khiến hàng trăm nhà vườn ở ấp An Hòa bị thiệt hại nặng. Từ đó sẽ xử lý hành vi này theo điều 5 Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều”. Ngoài việc bị xử phạt hành vi phá đập ngăn mặn gây thiệt hại nghiêm trọng, những người phá đập còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn