MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tải trọng lớn ra vào khu vực thi công thủy điện băm nát tuyến đường tránh lũ. Ảnh T.T

Dân lại khiếu nại thủy điện vì sau xả lũ còn "băm nát" đường tránh lũ

THANH TUẤN LDO | 02/08/2021 14:30

Xe vận tải thi công nhà máy thủy điện Đăk Psi 6 “băm nát” tuyến đường tránh lũ thường dùng để vận chuyển, lưu thông hàng nông sản của người dân. Tuy nhiên, chủ thủy điện lại biện minh rằng, đường bị nát do xe tải trọng lớn của các chủ mỏ cát hoành hành.

Ngày 2.8, ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum – cho biết, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 6 khẩn trương khắc phục lại đường tránh lũ, nhằm đảm bảo lưu thông cho người dân và hàng hóa.

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân ở các xã như Diên Bình, Đăk Long, Đăk Psi… của huyện Đăk Hà và Đăk Tô rất bức xúc vì đường tránh lũ trên địa bàn huyện bị hư hỏng nặng. Xe tải trọng lớn chở cát sạn thi công, đất đá làm đường nham nhở, bùn lầy.

Người dân đi lại trên con đường sình lầy, nguy hiểm. Ảnh T.T

Anh Tạ Thắng – người dân xã Diên Bình, huyện Đăk Tô – cho biết: “Người dân đi lại chở mủ cao su, cà phê, trong rẫy rất vất vả, nhiều người bị tai nạn ngã dọc đường, hỏng hết nông sản. Khổ nhất là khi người dân chở em nhỏ đi học về, lo sợ bị cuốn vào gầm xe tải lớn”.

Đường tránh lũ lâu nay là tuyến vận chuyển hàng hóa, và có lưu lượng lớn xe cộ của người dân qua lại. Người dân đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương xã, huyện gọi chủ đầu tư thủy điện khắc phục nhưng không được.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 nại lý do rằng, đường hỏng chủ yếu do xe tải vận chuyển của các chủ mỏ cát. Mỗi ngày có hơn 100 lượt xe tải qua lại, dù vậy Công ty vẫn đang điều động xe ben chở đá vào khắc phục lại.

Đồng thời, trong chiều hôm nay (2.8), công ty gửi thư mời đại diện chính quyền 2 huyện Đăk Tô và Đăk Hà cùng làm việc với công ty để chỉ ra trách nhiệm, lỗi do đơn vị nào làm hỏng đường tránh lũ.

Mỗi ngày có hơn 100 lượt xe tải đi trên tuyến tránh lũ. Ảnh T.T

Theo Sở Công thương tỉnh Kon Tum, dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 làm chủ đầu tư, có công suất 12MW, điện lượng trung bình năm là 42,086 triệu kWh. Công trình thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, với vốn đầu tư hơn 396 tỉ đồng, trong đó vốn vay chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư.

Trước đó, tại 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô, hàng chục hộ dân phải chạy lũ trong đêm để cứu lấy tính mạng mình khi thủy điện Plei Kần vận hành thử nghiệm tích nước lòng hồ trái phép. Nước dâng quá cao gây ngập lụt, hư hại hơn 300 ha nông sản, cà phê, hồ tiêu, caosu… đang vào kỳ thu hoạch.

Sự việc nghiêm trọng đến mức ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phải gửi văn bản yêu cầu “Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước việc gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn