MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân bất bình khi phải nộp số tiền lớn mới được nhận quyền sử dụng đất và rừng thông do mình trồng. Ảnh: Hồng Thiệu

Dân muốn lấy lại rừng đã giao trồng phải nộp gần 2 tỉ đồng

ĐÀO HỒNG THIỆU LDO | 12/04/2023 10:10

QUẢNG BÌNH - Liên quan đến phản ánh của Báo Lao Động về việc gần 23 ha rừng thông trồng hàng chục năm của người dân chưa kịp hưởng lợi đã bị đem đấu giá tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), người dân cho rằng, thông là do họ trồng, mang đấu giá không hỗ trợ, không đền bù tài sản trên đất lại còn bắt  nộp tiền là vô lý...

Dân hoang mang vì số tiền nộp quá lớn

Theo thông tin phản ánh của các hộ dân tại thôn Ánh Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) liên quan đến gần 23 ha rừng thông do chính họ trồng, nhưng trước khi bị đem đấu giá nếu những hộ dân này muốn nhận được quyền sử đất và tài sản trên đất thì phải nộp với số tiền 1.867.472.680 đồng.

Ông Bùi Tiến Cảm (ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh) cho biết: “Đất tôi từ khi di dân lên đây đã được UBND huyện giao 10 ha, gia đình đã thực hiện trồng điều nhưng không có hiệu quả thì năm 1998 Lâm trường Long Đại thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại vận động tôi sang trồng thông nên đã giao thêm cho tôi hơn 5 ha nữa.

Trồng 3 năm đầu vẫn được phía lâm trường hỗ trợ. Nhưng từ năm 2001 đến nay chúng tôi tự bỏ tiền ra chăm sóc bảo vệ. Điều đáng nói, sau khi Lâm trường Long Đại có ý thu hồi đất và đem đấu giá đã gửi văn bản về cho các hộ chúng tôi phải  nộp gần 2 tỉ đồng để nhận được quyền sử đất và tài sản trên đất với tổng diện tích là 22,9 ha”.

Trước khi đấu giá gần 23 ha rừng thông, ngày 31.1.2018, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đã ban hành Thông báo số 61/TB-CT, gửi cho các hộ dân gồm: Ngô Chí Thanh, Ngô Đình Thu, Trần Văn Lành, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Chân Phương và Bùi Tiến Cảm về việc nộp tiền để nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và tài sản trên đất (rừng thông) tại tiểu khu 386.

Những hộ dân này phải có trách nhiệm nộp đủ số tiền 1.867.472.680 đồng, số tiền nộp chia làm 2 kỳ, mỗi kỳ nộp 50% số tiền, khoảng cách giữa 2 kỳ nộp tiền là 2 tháng cho Công ty TNHH MTV LCN Long Đại.

Công văn yêu cầu người dân nộp tiền nếu muốn sử dụng đất và tài sản trên đất. Ảnh: Hồng Thiệu 

Sau khi nhận được thông báo về việc nộp tiền người dân hết sức bức xúc: “Thông là do chúng tôi trồng, mang đấu giá không hỗ trợ, không đền bù tài sản trên đất lại còn bắt chúng tôi nộp tiền để nhận quyền sử đất và tài sản trên đất mà do chính chúng tôi trồng, chăm sóc hàng chục năm trời là vô lý, khó chấp nhận” - ông Bùi Tiến Cảm (thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh) bất bình nói. 

Đến ngày 13.3.2018, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại tiếp tục công văn Thông báo số 108/CV-CT, gửi đến các hộ dân này về việc nộp tiền để nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và tài sản trên đất tại tiểu khu 386.

Trường hợp đến hết ngày 5.4.2018, các hộ dân không chấp hành thì sẽ tiến hành đấu giá…

Ông Trần Văn Lành (thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh) cho biết: “Rừng thông chúng tôi hợp đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ từ năm 1998, đến năm 2016 thì lâm trường cho khai thác tỉa được ít hôm sau đó bắt dừng lại cho đến nay.

Năm 2018 Công ty TNHH MTV LCN Long Đại có văn bản yêu cầu nộp tiền để nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Rừng thông trồng trên đất của mình chưa được hưởng lợi, trong 2 đợt yêu cầu gia đình tôi nộp lên đến gần 410 triệu đồng, gia đình tôi lấy ở đâu ra”.

Chưa có phương án xử lý

Theo các hộ dân tại xã Vạn Ninh, để giữ lại rừng thông do chính họ trồng và chăm sóc suốt hơn 20 năm qua thì hộ ít nhất phải nộp 192 triệu đồng, nhiều nhất là 436 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề này,  ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho hay, trước đây cũng đã từng có những tranh chấp giữa 6 hộ dân trên địa bàn với phía lâm trường.

Khi diện tích rừng thông được đấu giá, người dân tiếp tục tranh chấp với đơn vị trúng thầu.

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, không để tình hình trở nên phức tạp hơn, UBND xã Vạn Ninh đã đề nghị công ty trúng thầu tạm dừng khai thác, chờ cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc, đồng thời có những đề xuất lên huyện và tỉnh.

Ông Trần Văn Lành là một trong những hộ phải nộp nhiều tiền nhất thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Ảnh: Hồng Thiệu 

“Công ty trúng thầu giờ không khai thác được, họ cũng có nguyện vọng hỗ trợ cho các hộ dân tham gia trồng và chăm sóc rừng, tuy nhiên còn vướng về giá nên rất khó giải quyết. Dân cũng vất vả mà công ty trúng thầu cũng mắc kẹt lại theo vấn đề này” - ông Lương cho biết thêm.

Về phía Lâm trường Vĩnh Long, đơn vị sáp nhập từ Lâm trường Long Đại, ông Đặng Thanh Cương - Giám đốc Chi nhánh Lâm trường này cũng thông tin, việc tranh chấp rừng thông giữa người dân và lâm trường đã diễn ra nhiều năm, do qua nhiều thời kỳ nên sự việc khá phức tạp, cũng đã nhiều lần đưa ra giải quyết nhưng chưa được.

“Khi chúng tôi tiếp nhận thì đất rừng này thuộc Công ty Long Đại, thời điểm tiếp nhận, lâm trường cũng triển khai công nhân khai thác nhựa nhưng bị người dân ngăn cản.

Sau đó UBND tỉnh đã ra quyết định cho đấu giá thông và giao đất về cho địa phương quản lý” - ông Cương nói.

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, một số hộ dân tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) bức xúc về việc gần 23 ha rừng thông do mình trồng hàng chục năm chưa được hưởng lợi đã bị đem đấu giá, khiến họ trắng tay.

Diện tích rừng thông này do 6 hộ dân này hợp đồng với Lâm trường Long Đại trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 1998.

Thế nhưng, nay Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đã mang ra đấu giá mà không hỗ trợ hay đền bù tài sản trên đất cho người dân khiến dư luận bất bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn