MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bờ sông Thu Bồn sạt lở đến móng nhà nhưng vẫn chưa được di dời khiến người dân ở Quảng Nam lo sợ. Ảnh: Thanh Chung

Dân nơm nớp lo sợ vì sạt lở đe dọa hàng chục ngôi nhà ở Quảng Nam

Thanh Chung LDO | 21/10/2021 19:00

Từ nhiều năm nay, khoảng 50 hộ dân ở Quảng Nam sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở nhất là vào mưa lũ. Những căn nhà của người dân chỉ cách sông Thu Bồn khoảng 3m và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Nơm nớp lo sợ vì sạt lở bờ sông

Bà Tăng Thị Tín (60 tuổi, trú thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm qua. Để hạn chế sạt lở, người dân đã trồng tre dọc theo bờ sông nhưng cũng không chống đỡ được. Những năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra khốc liệt, ăn sâu vào đất liền khoảng 30m.

 Sạt lở bờ sông Thu Bồn đe dọa nhà cửa người dân. 

“Trước kia xây nhà cách dòng sông hơn 30m để đảm bảo an toàn, nhưng sau vài năm thì dòng sông ăn sâu vào đất liền chỉ còn cách nhà tôi 3m. Đến mùa mưa bão, nước sông dân cao khiến trại chăn nuôi gia súc cũng bị ngập sâu” - bà Tín chia sẻ.

Ông Tăng Thoại (thôn Trung Phước 2) cho biết, người dân ở đây nghèo khổ không đủ tiền để tự di dời đến nơi khác. Mà hằng ngày thấy cảnh này rất lo sợ. Những ngôi nhà được xây kiên cố cũng đang đứng trước nguy cơ đổ sập lúc nào không hay. “Mất đất đã đành, nay có thể mất luôn cả nhà cửa và tính mạng nên ai nấy cũng lo sợ. Rất mong chính quyền sớm tạo điều kiện để chúng tôi đến nơi ở mới an toàn hơn”- ông Thoại nói.

Tình trạng sạt lở đã "ngoạm" vào tận móng nhà, vách tường làm nhiều nhà chênh vênh bên bờ sông, người dân đành phải kéo nhau bỏ nhà đi ở nhờ nhà người thân. Tốc độ sạt lở diễn ra nhanh chóng, có nơi chỉ qua một đêm, đất đã sạt lở từ 3 - 5m.

 Nhà dân có đứng trước nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ sắp đến.

Đợt mưa lũ xảy ra hồi cuối năm 2020 và đợt mưa to xảy ra vào cuối tháng 8.2021 đã làm công trình nhà vệ sinh của Trường THCS Quế Trung (thôn Trung Phước 1) bị sạt lở, đổ sụp phải bỏ hoang, dù vừa xây xong.

Trồng tre để chống sạt lở?

Ông Đỗ Trường Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung - cho biết, tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phương có 2 điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50 hộ dân. Tạm thời người dân trồng tre chống sạt lở, còn để giải quyết triệt để thì cần phải kè bê tông cốt thép. Về vấn đề này, chính quyền xã không thể nào đáp ứng được vì kinh phí quá lớn.

“Về trường hợp của 5 hộ dân có nguy cơ sạt lở nhà, địa phương đã có phương án và xác định được một số vị trí để di dời người dân. Tuy nhiên do có một số điểm không thuận lợi cho người dân sinh sống nên đến nay vẫn chưa thể di dời được. Sắp tới, địa phương sẽ kiến nghị lên cấp trên để tìm vị trí phù hợp, áp dụng cơ chế mới để hỗ trợ bà con ổn định đời sống” - ông Thương nói.

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Sơn - cho hay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, khảo sát và đánh giá mức độ sạt lở tại các vị trí bị sạt lở trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Quế Trung để tìm hướng khắc phục.

“Hiện tại, chúng tôi đã yêu cầu người dân sống dọc bờ sông trồng tre để giữ đất, hạn chế tình trạng sạt lở. Về lâu dài, tôi đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để xin nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Trung ương để xây dựng bờ kè cứng dọc khu dân cư này hoặc bố trí khu tái định mới cho bà con” - ông Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn