MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dân ở Quảng Nam tái định cư nhiều năm vẫn khát nước sạch, phải dùng nước phèn

Hoàng Bin LDO | 18/07/2023 15:12

Hằng trăm hộ dân tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam được bố trí đất tái định cư nhưng không đảm bảo điều kiện hạ tầng thiết yếu, thiếu điện đường, khát nước sạch… Người dân lo ngại khi phải sử dụng nước phèn, ô nhiễm thời gian dài.

Khổ sở vì thiếu nước sạch

Về sống trong khu tái định cư Lệ Sơn tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên đã hơn 4 năm, nhưng gia đình anh Lê Trung Kiên vẫn chật vật bởi thiếu nước sạch.

Việc người dân sử dụng nước nhiễm phèn dù đã về nơi tái định cư mới là thực tế bất cập, tồn tại kéo dài ở các khu tái định cư trên địa bàn huyện Duy Xuyên, Quảng Nam hiện nay. Ảnh Hoàng Bin

Theo anh Kiên, để có nước sử dụng, gia đình đã khoan giếng bơm hơn 15m nhưng nước vẫn nhiễm phèn nặng và bốc mùi tanh, nồng nặc, nên không ai dám uống. Nước giếng bơm trực tiếp chủ yếu để tưới cây, rửa chén, nếu giặt quần áo thì bị bám phèn đỏ quạch.

Theo khảo sát của phóng viên Lao Động, để có nước sinh hoạt, người dân phải chi thêm tiền mua nước bình, hộ nào có điều kiện thì mua máy lọc nước, nhưng đồ đạc, máy móc cũng nhanh hư hỏng vì nhiễm phèn, mặn.

Tình trạng lõm điện đường, có trụ nhưng không có bóng đèn khiến người dân ở các khu tái định cư ở Duy Xuyên, Quảng Nam gặp khó khăn trong việc đi lại. Ảnh: Hoàng Bin

Ngoài tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, vào ban đêm, nhiều khu tái định cư tại 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên như tách biệt hoàn toàn thế giới bên ngoài, vì không có điện đường chiếu sáng, đường sá tối tăm, dân đi lại rất nguy hiểm.

Bất cập so với chủ trương chung

Theo lãnh đạo xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, chủ trương chung của Nhà nước là khi bố trí người dân về nơi ở mới, thì điều kiện sống phải bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ. Tuy nhiên, thực tế ở địa phương đang tồn tại nhiều bất cập kéo dài.

“Cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư hiện chưa được đảm bảo. 2 khu tái định cư Nồi Rang 1 và Lệ Sơn 1 được đầu tư từ năm 2011 đến nay, cơ sở vật chất, đường sá cống rãnh thoát nước chưa đảm bảo”, ông Diệp Tấn Lực – Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết.

Được bố trí hơn 800 lô tái định cư nhưng người dân không mặn mà vào ở vì khu tái định cư không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Trong ảnh, nguồn nước từ giếng bơm tại Duy Xuyên bị nhiễm phèn nặng. Ảnh: Hoàng Bin.

Theo UBND huyện Duy Xuyên, để phục dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và một số dự án khác trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam đã giao công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (Công ty KHCL) đầu tư xây dựng 5 khu tái định cư gồm: Khu tái định cư Nồi Rang, khu tái định cư Duy Hải (giai đoạn 2, 3), khu tái định cư Sơn Viên, khu tái định cư ven biển Bình Dương với tổng diện tích gần 240ha.

Số lô đã bố trí tái định cư tính đến cuối tháng 5.2022 là 881 lô, tuy nhiên, thực tế đến nay chỉ có chưa tới 50% hộ dân thuộc diện tái định cư nói trên vào sinh sống tại các khu tái định cư này do thiếu hụt hạ tầng thiết yếu, điều kiện sinh sống không đảm bảo.

This browser does not support the video element.

Người dân và chính quyền tại Duy Xuyên, Quảng Nam lên tiếng về điều kiện sống không đảm bảo tại các khu tái định cư. Clip: Hoàng Bin

Trả lời phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết:

“Khi xây dựng các khu tái định cư từ nguồn đầu tư công thì Nhà nước không đầu tư hạng mục điện, nước sạch mà để cho ngành điện lực và công ty nước sạch đầu tư. Nhưng trong quy chế phối hợp với các doanh nghiệp điện, nước thì họ yêu cầu phải bố trí dân cư sinh sống tối thiểu 50% thì mới tiếp tục đầu tư đấu nối hệ thống. Do đó, đây là điều bất cập vô cùng”.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã thấy được vấn đề bất cập này và vừa qua đã hỗ trợ thêm cho huyện Núi Thành, huyện Duy Xuyên hàng chục tỉ đồng từ nguồn sử dụng đất để các địa phương này tiếp tục đầu tư phần điện đường, nước sạch ở các khu tái định cư mà hiện nay chưa có để phục vụ người dân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn