MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng bà Chung bức xúc phản ánh việc nuôi tôm làm giếng nước sinh hoạt của gia đình bị nhiễm mặn. Ảnh: Trần Tuấn.

Dân “tố” hồ nuôi tôm gây nhiễm mặn giếng nước sinh hoạt

TRẦN TUẤN LDO | 27/09/2021 20:14

Việc nuôi tôm ở khu vực rừng sản xuất ven biển thuộc xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) khiến một số người dân địa phương bức xúc, cho rằng đó là tác nhân làm giếng nước sinh hoạt của họ bị nhiễm mặn, không dùng được.

Dân kêu giếng nhiễm mặn vì hồ tôm

Bà Nguyễn Thị Chung (66 tuổi, ở thôn Nam Hải, xã Thạch Hải) sống cạnh nhiều hồ nuôi tôm ở thôn Nam Hải bức xúc phản ánh, các hồ tôm gần nơi gia đình bà sinh sống lấy nước mặn vào nuôi tôm trong thời gian dài đã khiến nước mặn thấm qua đất.

Đặc biệt, đã từng xảy ra việc hồ lắng xử lý nước của hồ tôm bị vỡ bờ, chảy tràn ra thấm vào lòng đất làm giếng nước sinh hoạt của bà và một số hộ dân khác bị nhiễm mặn nên không thể sử dụng. Trong khi trước đây chưa có hồ nuôi tôm thì nước giếng sinh hoạt của dân sử dụng bình thường.

Lâu nay, gia đình bà phải bơm nước ở gia đình khác về sử dụng vừa bất tiện, vừa tốn kém. Không chỉ vậy, cây trồng trong vườn bà cũng bị nhiễm mặn, chết rất nhiều. Một số hộ dân khác sống gần gia đình bà vì nước bị nhiễm mặn nên đã chuyển nhà đi sinh sống ở nơi khác.

“Họ nuôi tôm ở đó đã gần 10 năm rồi. Giờ chúng tôi muốn họ dừng hẳn việc nuôi tôm ở đó luôn, chứ không thì làm khổ chúng tôi lắm” - bà Chung bức xúc nói.

Hồ nuôi tôm ở xã Thạch Hải bị người dân tố gây nhiễm mặn giếng sinh hoạt. Ảnh: Trần Tuấn

Ghi nhận của phóng viên Lao Động, có rất nhiều hồ nuôi tôm ở hai bên trục đường lớn ở thôn Nam Hải và thôn Thượng Hải. Bao quanh những hồ tôm này là rừng phi lao ven biển đã nhiều năm tuổi.

Đã nuôi nhiều năm và đang chờ... cho phép

Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết, hiện nay có 7 hộ dân đang nuôi tôm với tổng diện tích hơn 16 ha ở thôn Nam Hải và thôn Thượng Hải. Việc nuôi tôm ở đó được thực hiện từ năm 2014.

Trước đó, xã thuộc diện phải di dời về khu tái định cư vì ảnh hưởng khai thác mỏ sắt Thạch Khê nhưng do chưa thác nên người dân xin nuôi tôm, chính quyền đồng ý, đồng thời được Ban Quản lý mỏ sắt Thạch Khê đồng ý.

Sau đó, UBND xã Thạch Hải đã làm hợp đồng cho người dân thuê đất nuôi tôm với cam kết sau này khai thác mỏ sắt thì phải ngừng nuôi mà không được bồi thường.

Đến năm 2016, theo quy định, xã không có thẩm quyền cho thuê đất nữa nên xã đã thanh lý hợp đồng cho thuê. Thế nhưng, từ đó đến nay, các hồ tôm đó vẫn đang tiếp tục nuôi tôm.

Cũng theo ông Lâm, trong số diện tích nuôi tôm trên, một số đã được chuyển đổi từ rừng sản xuất sang nuôi tôm, còn một số khác là nuôi tôm trên đất xã quản lý mà trước đó người dân tự trồng cây.

"Có việc trước đây hộ bà Trí phản ánh do nuôi tôm nên giếng nước của bà bị nhiệm mặn. Sau đó, xã cho kiểm tra và yêu cầu chủ nuôi tôm đào giếng khác cho bà Trí. Còn hộ bà Chung thì  chưa thấy phản ánh lên xã" - ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng thông tin, hiện về thủ tục pháp lý, trong số 7 hộ mới có 1 hộ được chấp thuận cho nuôi tôm với diện tích 2,6 ha. Những hộ còn lại đang chờ huyện quyết định, cho phép hay không.

Việc nuôi tôm ở đó đã có quy hoạch. Hàng năm xã đã yêu cầu các chủ hồ nuôi tôm cam kết đảm bảo môi trường, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Tuy nhiên, tháng 3.2021 vừa rồi, hồ tôm của ông Thanh xả thải không đảm bảo quy định đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt hành chính 15 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn