MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảng viên sinh con thứ 3 có được hưởng chế độ thai sản?

HẠNH AN LDO | 28/05/2024 07:36

Đảng viên sinh con thứ 3 nếu đáp ứng các điều kiện hưởng chế độ thai sản thì vẫn được hưởng chế độ thai sản bình thường.

Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 không có quy định cụ thể việc sinh con thứ 3 đối với đảng viên là hành vi vi phạm chính sách dân số.

Tuy nhiên, với nội dung về công tác dân số được điều chỉnh bởi Nghị quyết 21- NQ/TW năm 2017 thì theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chính sách dân số, mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con.

Đặc biệt, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con. Chính vì vậy, việc đảng viên sinh con thứ 3 vẫn có thể xem là vi phạm chính sách dân số và bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Quy định 69-QĐ/TW năm 2022.

Báo Lao Động nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan đến vấn đề Đảng viên sinh con thứ 3 được hưởng chế độ thai sản hay không.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên; mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh; chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên; trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi; thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38; và Khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Như vậy, pháp luật bảo hiểm không có quy định, giới hạn số lần sinh con đối với chế độ thai sản. Đảng viên sinh con thứ 3 nếu đáp ứng các điều kiện hưởng chế độ thai sản thì vẫn được hưởng chế độ thai sản bình thường.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 23.5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) nhìn nhận, trước đây, việc hạn chế người dân sinh quá 2 người con là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay trước nguy cơ già hóa dân số, không có lao động thay thế, cần phải xem xét lại chính sách này.

Theo đại biểu, chúng ta cũng chỉ nói hiện tượng già hóa dân số nhưng chính sách lại không đưa ra rõ nét. Vị nữ đại biểu lấy ví dụ trong những điều đảng viên không được làm có nêu, không được vi phạm chính sách dân số.

Là người đứng đầu cơ quan, có những trường hợp bà Lan phải đau lòng xem xét kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn