MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số hình ảnh vụ đánh ghen ở Cà Mau. Ảnh cắt từ clip

Đánh ghen dã man ở Cà Mau: Bi kịch của sự bất công

HẢI ĐĂNG LDO | 24/05/2018 07:44

Một vụ đánh ghen dã man diễn ra tại huyện Cái Nước (Cà Mau) mới được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh đôi nam nữ không mặc áo quần, bị trói tay chân, đánh đập, nhục mạ rất dã man, bị bôi chất bẩn lên cơ thể.

Theo xác minh ban đầu, vụ đánh ghen dã man nói trên do bà NTD (ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cùng nhóm khoảng 7 người thực hiện. Người đàn ông bị trói là chồng bà D, công tác trong ngành công an. Còn người phụ nữ bị đánh ghen là cán bộ ấp.

Một số người có trách nhiệm đã nhận định vụ đánh ghen nói trên là quá dã man và công an cũng đã vào cuộc làm rõ.

Thời gian gần đây, có nhiều vụ việc tổ chức đánh ghen, quay clip rồi tung lên mạng xã hội gây bức xúc và nhiều dư luận trái chiều. Một số người ủng hộ việc đánh ghen, một số người khác cho rằng hành vi đánh ghen là phạm pháp.

Một “kịch bản” khá giống nhau là những người bị đánh ghen đều là phụ nữ, còn những người đánh ghen cũng là phụ nữ với lý do để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong khi đó, người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là người đàn ông - người chồng - lại vô can.

Những người tổ chức đánh ghen lấy cớ là do người phụ nữ khác đã “mồi chài, quyến rũ” chồng họ, làm chồng họ sa ngã, lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các vụ việc quan hệ nam nữ ngoài luồng đều bắt nguồn từ người đàn ông. Kể cả trong trường hợp bị “mồi chài”, nếu họ có bản lĩnh thì sẽ không xảy ra chuyện.

Vì vậy, việc tổ chức đánh ghen đối với phụ nữ là bất công. Điều này do ảnh hưởng của quan niệm trọng nam khinh nữ. Nhiều người vẫn cho rằng đàn ông có léng phéng thì không sao nhưng phụ nữ thì tuyệt đối không được. Mặt khác, việc tổ chức đám đông đánh phụ nữ, làm nhục rồi tung lên mạng là lối ứng xử không đàng hoàng, chỉ nhằm vào kẻ yếu, không có khả năng tự vệ để trấn áp.

Hậu quả của nhiều vụ đánh ghen rồi quay clip tung lên mạng là gia đình tan nát, nhiều người vướng vòng lao lý. Suy cho cùng, cả người đánh ghen và người bị đánh ghen đều là nạn nhân.

Dù trong hoàn cảnh nào, việc người dân tự phát, tự xử như đánh ghen, đánh người trộm chó hay người bị nghi bắt cóc trẻ em... đều rất nguy hiểm, tạo ra nhiều hệ lụy xấu.

Việc hạn chế, chấm dứt các vụ đánh ghen dã man là bài toán nan giải. Bên cạnh  xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật để tạo ra sức mạnh răn đe, cảnh cáo chung, cần những giải pháp để thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn