MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế bị hành hung do khúc mắc khi tham gia giao thông. Ảnh cắt từ clip

Đánh người sau va chạm giao thông: "Không nên quá khích như vậy"

ANH THƯ LDO | 05/01/2021 10:16
Liên quan đến vụ việc đánh người sau va chạm giao thông ở Thanh Xuân (Hà Nội), chuyên gia cho rằng nên có những ứng xử văn minh thay vì dùng bạo lực.

Mới đây, vụ việc một nam tài xế bị hành hung ngay giữa ngã tư do mâu thuẫn trong khi tham gia giao thông đã khiến dư luận bức xúc.

Theo đó, khoảng 21h ngày 31.12.2020, chiếc xe bán tải di chuyển từ lối rẽ đường cao tốc trên cao (vành đai 3) xuống ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân).

Lúc này, nam tài xế điều khiển xe bán tải BKS 29C-583.95 đã dừng, đỗ đèn đỏ, chờ đi thẳng ở phần đường rẽ trái.

Sau 2-3 lượt đèn tín hiệu giao thông, chiếc xe bán tải vẫn không di chuyển khiến các xe phía sau bị ùn, tắc hàng dài. Thấy vậy, một tài xế khác đi phía sau đã xuống xe nhắc nhở thì bị tài xế xe bán tải lao xuống hành hung giữa ngã tư.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng: "Vụ việc xảy ra có tính chất côn đồ nghiêm trọng, thể hiện trong cách hành xử của người bị nhắc nhở. Trước hết, những người có hành vi bạo lực thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mới có ý nghĩa răn đe trong xã hội".

Theo ông Bình, qua quan sát, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện sự việc ẩu đả sau va chạm giao thông. Trước đó cũng từng xảy ra vụ việc xô xát không đáng có khi tham gia giao thông. Vì vậy, đây là vấn đề rất đáng báo động.

"Khi tham gia giao thông, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, người vội vàng, người ít vội hơn, nên cần hiểu sự đa dạng của nhau. Nếu có va chạm thì trước tiên cần một lời xin lỗi văn minh. Muốn được như vậy mỗi người cần hiểu đúng hành vi, đi lại đúng hay sai" - ông Bình nói.

Theo chuyên gia giao thông của JICA, thực tế có nhiều người hiểu sai về quyền ưu tiên đi lại trên đường.

"Đơn giản như bản thân tôi cũng có vụ va chạm, không xảy ra xô xát nhưng khiến cho tôi không hài lòng. Đó là có thanh niên đi xe máy, lạng lách ngay mũi xe mình. Tôi hỏi tại sao đi như vậy, thanh niên đó trả lời tôi bật xi nhan rồi không thấy à. Với trường hợp này, cậu thanh niên hiểu sai ý nghĩa xi nhan, quyền ưu tiên là quyền của người đi thẳng, chứ không phải bật đèn muốn rẽ là rẽ"- ông Bình lấy ví dụ.

Theo ông Bình, để xảy ra vấn đề trên một phần nằm trong đào tạo lái xe của chúng ta còn thiếu về quyền ưu tiên và ưu tiên như thế nào. Nguyên nhân sự việc trên do không được đào tạo kỹ lưỡng và thấm nhuần trong người dân về quy định khi tham gia giao thông. Điều này muốn thay đổi phải dần dần trong đào tạo lái xe, luật giao thông.

"Mỗi người nên tự hiểu đánh nhau ngoài đường trong bối cảnh camera giao thông, hành trình rất nhiều nên hành vi trên rất dễ bị quay lại, đầy đủ bằng chứng và rất khó chối tội. Thay vì phải chối tội, chạy trốn nên ứng xử văn minh, sai một chút có lời xin lỗi là đủ, không nên quá khích như vậy" - ông Bình đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn