MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh người sau va chạm giao thông: Lỗ hổng lớn trong nhận thức

Song Mai LDO | 04/01/2021 16:24

"Đặc biệt ở các đô thị những trường hợp coi thường pháp luật an toàn giao thông còn xảy ra nhiều ở giới trẻ. Hay nói đúng hơn là tồn tại một căn bệnh “sĩ” khi tham gia giao thông" PGS.TS Phạm Ngọc Trung bày tỏ.

Hành động đáng lên án

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ va chạm giao thông dẫn đến ẩu đả, đánh nhau khiến dư luận không khỏi xôn xao. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến những trường hợp va chạm chỉ là do vô ý và hậu quả để lại là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người điều khiển phương tiện tạo ra là vấn đề gây bức xúc trong xã hội hiện nay

Mới đây, vụ việc một nam tài xế bị hành hung ngay giữa ngã tư do mâu thuẫn trong khi tham gia giao thông đã khiến không ít người bức xúc. Theo đó, khoảng 21h ngày 31.12, trên đường Khuất Duy Tiến hướng về Nguyễn Xiển (thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội), một chiếc ô tô lưu thông trên đường nhích từng tí một, khiến các xe phía sau bị ùn ứ từ lối xuống cao tốc vành đai 3 trên cao.

Lúc này, nam thanh niên T.A. (26 tuổi, trú tại Hà Nội) xuống xe đến nhắc nhở và khuyên tài xế lái xe đi. Tuy nhiên, tái xế chửi bới và xuống xe đánh anh này gãy mũi, gãy một răng và có nhiều thương tích khác. Sau đó, kẻ hành hung cùng vợ con bỏ đi. Việc hành hung người khác gây thương tích khi bị nhắc nhở tham gia giao thông của tài xế này khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều người cho rằng Cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay đối với những hành vi côn đồ khi tham gia giao thông, gây mất trật tự xã hội.

Bạo lực khi tham gia giao thông không phải câu chuyện mới trên đường phố. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, từ người điều khiển phương tiện cơ giới tới thô sơ, từ người trẻ tới người già, từ xô xát tới án mạng. Thay vì bình tĩnh giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông thì không ít người tham gia giao thông lại thích dùng bạo lực, nắm đấm để “nói chuyện”.

Lỗ hổng về nhận thức

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Chuyên gia văn hóa - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền, khi tham gia giao thông ai cũng cho mình là nhất và muốn làm gì thì làm thì điều đó hoàn toàn sai. Tất cả mọi người đều bình đẳng khi đi trên đường, từ ô tô, xe máy hay xe đạp. Đã gọi là bình đẳng thì tất cả đều phải chấp hành luật pháp.

Có một số quan niệm còn cho rằng cứ phải xe to, xe thô sơ mới cần chấp hành đúng, đó là quan niệm hoàn toàn sai. Hay đối với giáo dục, thực ra vấn đề giao thông được đưa đến nhà trường cũng đã được phổ biến.

Tuy nhiên, một số khá lớn người trưởng thành không được giáo dục vấn đề này một cách bài bản. Đó cũng là một lỗ hổng khá lớn về kiến thức, về nhận thức, đạo đức trong tham gia giao thông. Một nguyên nhân khác còn do quá trình kiểm tra sát hạch khi cấp bằng.

Có rất nhiều người hiện nay, vẫn tràn lan hiện tượng mua bằng, đặc biệt đối với xe máy. Khi chưa có đủ kỹ thuật, kinh nghiệm và cách xử lý tình huống nếu xảy ra va chạm họ thường hoảng hốt, trốn tránh pháp luật bằng cách phóng nhanh, vượt ẩu.

Từ những nguyên nhân nêu trên PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, cần lần theo những nguyên nhân đó và khắc phục một cách bài bản. Như hệ thống giáo dục của nhà trường hiện nay cũng đã thực hiện khá tốt khi kết hợp với các ban ngành mang đến những buổi học thú vị. Hay trên các phương tiện báo chí truyền thông hiện nay cũng rất nhiều chương trình giáo dục trong giao thông được truyền tải đến cộng đồng.

Về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông nói chung của giới trẻ hiện nay khá tốt và bài bản. Tuy nhiên, giữa các địa phương, các trường chưa có sự đồng và phân loại trong giáo dục ở các cấp. Vì thế khi trưởng thành tiếp thu của mỗi người sự chênh lệch.

Đại đa số xu thế có tiến bộ hơn trước, nhưng một bộ phận còn lại cũng chiếm tỷ lệ khá nhiều khi rơi vào khoảng 20 - 30%. Đặc biệt ở các đô thị những trường hợp coi thường pháp luật an toàn giao thông còn xảy ra nhiều ở giới trẻ. Hay nói đúng hơn là tồn tại một căn bệnh “sĩ” khi tham gia giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn