MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh người sau va chạm giao thông: “Tay chân” đỡ “mồm miệng”?

Bảo Hân LDO | 05/01/2021 10:41

Sau va chạm giao thông, chưa cần biết đúng sai như thế nào, nhiều người đã chọn giải pháp “nắm đấm” để giải quyết vụ việc.

Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc ngay sau các vụ va chạm giao thông, hoặc đơn giản chỉ là xích mích trên đường, nhiều người đã có những lời nói chửi bới, xúc phạm và hành vi bạo lực với người khác. Thậm chí, nhiều trường hợp còn dùng hung khí “nóng”. Đã có nhiều trường hợp thiệt mạng sau những vụ việc như thế này.

Sự việc mới đây nhất xảy ra tại Hà Nội, hiện vẫn đang gây bất bình trong dư luận là vụ nam thanh niên bị tài xế xe bán tải hành hung gãy răng, phải nhập viện, chỉ vì lời nhắc nhở di chuyển để tránh tắc đường.

Trước đó, vào tháng 4.2020, tại Bình Dương, mặc dù chỉ xảy ra vụ va chạm rất nhẹ, nhưng hai bên bên lời qua tiếng lại rồi xảy ra cãi vã, đánh nhau dẫn đến án mạng đau lòng.

Đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc đáng lẽ sẽ không có hậu quả gì xảy ra nếu những “người trong cuộc” đều cùng bình tĩnh, dùng lý lẽ để nói chuyện, phân định phải trái.

Phải chăng một phần nguyên nhân là do không ít người đang rất yếu trong khả năng giải quyết vấn đề bằng lời nói?

Lời nói ở đây không phải là xúc phạm, đổ lỗi, tấn công cá nhân nhau sau khi xảy ra tai nạn, mà là lời nói hỏi thăm tình trạng của nhau (xem có bị thương không chẳng hạn); đưa ra những lý lẽ, thông tin để hai bên nhận ra được bản chất, nguyên nhân của vụ va chạm, lỗi đến từ đâu, của ai, mức độ nào để từ đó đưa ra hướng giải quyết mà cả hai bên đều chấp nhận được.

Trong trường hợp không thể tự giải quyết “song phương” thì cậy nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng để phân xử (ở đây không nói đến những vụ tai nạn nghiêm trọng hay có yếu tố hình sự).

Tuy vậy, có vẻ việc giải quyết sự việc bằng lời nói, lý lẽ đang là điểm yếu của không ít người. Hãy thử để ý mà xem, thường là khi ngồi với nhau, nhiều người có xu hướng “buôn chuyện”, “chém gió”, chứ ít khi nói chuyện theo hướng phân tích một vấn đề gì đó của xã hội, đưa ra các luận điểm để làm rõ thêm vấn đề; củng cố quan điểm của mình hay bác bỏ, phản biện ý kiến của người khác…

Một ví dụ nữa là trong các cuộc tranh luận trên mạng, nhiều ý kiến đưa ra không phải là những dữ kiện, quan điểm mà lại là những lời lẽ tấn công cá nhân, nhục mạ nhau… khiến không còn đúng nghĩa tranh luận nữa mà trở thành một cuộc cãi nhau trên mạng…

Hành xử bạo lực sau những vụ va chạm có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ việc yếu kém trong trao đổi, tranh luận bằng lời nói là một phần lý do?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn