MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầu hết nhà chung cư hiện nay đều ở trong diện phải đóng thế nếu đề nghị của Bộ tài chính được không qua

Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhiều người dân không đồng tình

Linh Anh LDO | 15/04/2018 07:00
​Việc Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,3% (phương án 1) và 0,4% (phương án 2) rõ ràng đã gây ra phản ứng mạnh. Nhiều bạn đọc đã bức xúc email, gọi điện, bình luận xung quanh chủ đề này.

“Chúng tôi phản đối”

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi về Lao Động. “Chính sách phải phù hợp với cuộc sống người dân Việt nam - so thế nào được với Hàn quốc , Singapore... Những người chắp bút ở Bộ Tài chính có vẻ sống rất mơ hồ viển vông nên mới nhăm nhăm móc túi người dân hòng có số thu ngân sách mấy chục ngàn tỷ? Tôi phản đối chính sách này”- bạn đọc Khánh An chia sẻ sau khi đọc bài "Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Bộ Tài chính giải thích thế nào?" trên Laodong.vn.

Còn bạn đọc Nguyễn Minh Thanh cho rằng: “Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có ý kiến thu thuế nhà ở. Giai đoạn này chúng ta đang lấy lại lòng tin của dân, nếu thu thuế nhà ở không hợp lý, chúng ta sẽ đánh mất lòng tin của dân”.

Trong khi đó, một bạn đọc khác cho hay: “Chỉ nên đánh thuế vào những vụ mua đi bán lại, chứ những người chỉ có nhà ở do ki cóp làm nên hoặc do cha mẹ để lại thì không nên đánh thuế vì họ lấy đâu ra tiền nộp thuế, phải tính toán kỹ, đừng làm đảo lộn cuộc sống bình thường của người dân”.

Bức xúc của người dân trong việc Bộ Tài chính đánh thuế tài sản và nhà ở chính là ở chỗ đáng lẽ Bộ Tài chính cần đưa ra các chính sách để không thất thu thuế, đưa ra những biện pháp để thu thế các công ty nước ngoài đang lãi hàng ngàn tỉ ở Việt Nam nhưng không chịu đóng thuế, hoặc lách thuế, điển hình như Facebook, Grab… thay vì bắt người dân phải chịu.

Năm ngoái, Chính phủ đã đưa ra thông điệp “Bộ Tài chính, ngành thuế cần mở rộng cơ sở đánh thuế, khai thác những “mỏ vàng” như thương mại điện tử, Uber, Grab, Google, Facebook…”. Trong khi đó việc thu thuế các công ty này gần như là “bó tay” bởi thiếu luật và những quy định. Hoặc nếu có chỉ là thu được “số lẻ” và trong giai đoạn khởi đầu.

Thậm chí, ngay cả quy định thu thuế người bán hàng online qua facebook cũng chỉ như “thả gà ra đuổi”, bởi ngay sau khi nhận được yêu cầu từ cơ quan thuế, nhiều chủ shop online trên Facebook ngay lập tức chuyển hình thức kinh doanh trên nhiều ứng dụng khác.

Tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 11.2017, khi bị chất vấn về câu chuyện chúng ta quá chậm trễ trong việc bắt gà đẻ trứng vàng (là những công ty sử dụng các ứng dụng công nghệ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận: “Đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Goolge... đã kê khai, nhưng chưa thu thuế được”.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh trong năm 2017 từng phát biểu một câu “nổi tiếng”: “Thu thuế như vặt lông vịt, nhưng vặt làm sao cho sạch và đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”. Thực tế, Tiến sĩ Ánh đã vận dụng câu nói của Jean-Baptiste Colbert - Bộ trưởng Tài chính của vua Louis XIV-Pháp từ TK XVII với nội dung tương tự: “Nghệ thuật đánh thuế cũng giống như vặt lông ngỗng sao cho thu được nhiều lông nhất mà tiếng kêu nhỏ nhất có thể”.

Thế nhưng với kiểu thu thuế này, người dân không thể không kêu.

Thu thuế vì người giàu?

Mặc dù cố gắng lý giải rằng mức 700 triệu đồng là để “công bằng”, “hạn chế đầu cơ tài nguyên, đất đai” và cơ sở giá nhà nước chứ không phải là giá thị trường thì rõ ràng, đối tượng bị đánh thuế chủ yếu là tầng lớp bình dân khi đa số các căn hộ đều có giá trên 1 tỉ đồng.

Trả lời tờ Vietnam Finance, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc phân tích: “Việc đánh thuế nhà sẽ làm mất lòng người dân. Với người giàu, nộp thêm một phần thuế không phải là vấn đề nhưng với tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp, đó sẽ là một gánh nặng. Giá nhà tại Việt Nam hiện nay đã rất cao rồi. Một gia đình trẻ mua một căn nhà xa trung tâm cũng mất từ 1 – 1,5 tỷ đồng. Họ còn phải nuôi con và trang trải cuộc sống, nếu đóng thêm vài triệu đồng tiền thuế nữa thì rất nặng gánh”.

Ông Quyết cũng cho rằng, việc đánh thuế sẽ khiến giá nhà bị đội lên. Người dân đã phải chịu thuế khi mua nhà thì khi bán, tất yếu họ sẽ cộng giá trị thuế vào giá trị căn nhà. Đặc biệt, ông Quyết nhấn mạnh rằng việc đánh thuế nhà sẽ tạo ra vấn nạn trốn thuế.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính bỏ phương án đánh thuế nhà thứ hai chính là động thái “bảo vệ người giàu” và “tạo cơ hội để đầu cơ  nhà đất đối với người giàu”.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lý giải về đề nghị “Không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi” với lý do việc này: Không đảm bảo công bằng (trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà có diện tích thấp hoặc giá trị thấp lại bị đánh thuế).

Việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới (như Singapore, Nhật, Anh, Pháp), nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Thực tế, tại Việt Nam các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp...

Có vẻ như khi không có được “thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ” thì Bộ Tài chính đã quay sang đánh thuế vào túi người dân?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn