MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thể thao Việt Nam thiếu hẳn tính kế thừa để hướng đến OIympic Paris 2024 sau thất bại tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: TTVN.

Đào tạo không căn cơ: Lỗ hổng lớn của Thể thao Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 12/08/2021 12:33

Bạn đọc rất đồng ý với nhận định của Lao Động về việc đầu tư không có trọng điểm, căn cơ chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Tại Thế vận hội vừa kết thúc ở Tokyo 2020, các 4 quốc gia ở Đông Nam Á giành được huy chương gồm: Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Thể thao Việt Nam thất bại toàn tập khi trắng tay, thậm chí không có một vận động viên tiệm cận được ngưỡng tranh chấp huy chương.

"Thực tế này cho thấy, sau mỗi kỳ Olympic như London 2012, Rio 2016, ngành thể thao không có những sự chuẩn bị cho một thế hệ tương lai. Hay đó là câu chuyện đầu tư cho Ánh Viên. Đó là vận động viên đã được phát hiện từ 10 năm trước, có cơ hội phát triển, được đầu tư trọng điểm nhưng lại không được định hướng rõ ràng cho mục tiêu ASIAD hay Olympic", Lao Động đưa ra nhận định trong bài viết: "Thể thao Việt Nam hậu Olympic: Thất bại chính là ở quá trình tìm kiếm và phát triển tài năng", cho thấy sự yếu kém của ngành thể thao trong việc đầu tư có căn cơ, trọng điểm, để hướng đến mục tiêu lâu dài.

Đa số bạn đọc của Lao Động đồng ý với nhận định này. "Đầu tư hên xui... đào tạo nông cạn... ai cũng chỉ có một thời qua cái tuổi rồi thì sức đâu mà giữ phong độ...?", bạn đọc có nick name Dunghalan Vo chia sẻ ý kiến. Trong khi đó, độc giả Hoang Nguyen nhấn mạnh: "Thể thao nước nhà còn bao cấp quá. Nhân tài nằm trong lá ủ khắp cả nước mà kg nhìn nhận, cứ lấy thành tích có sẵn để đốt cháy giai đoạn".

Trong số 18 vận động viên Việt Nam dự Olympic, một số người giành suất thẳng bằng chuẩn A, một số khác thông qua tích điểm và một số thông qua suất mời. Tuy nhiên dù bằng suất nào, thực tế thi đấu cho thấy khoảng cách về trình độ giữa các vận động viên Việt Nam vẫn còn cách xa so với sân chơi Olympic.

Với các vận động viên, họ đã nỗ lực hết mình, nên không có gì đáng trách. Có trách là trách chiến lược không hợp lý của ngành thể thao Việt Nam. Điển hình là trường hợp của Ánh Viên, người từng có tiềm năng rất tốt, đoạt huy chương ở Olympic trẻ. Nhưng thay vì đầu tư chuyên sâu để hướng đến Thế vận hội, kình ngư này lại được dồn sức để lấy thành tích ở SEA Games. Cô giành đến 25 Huy chương vàng ở SEA Games nhưng thành tích ngày càng thụt lùi ở Thế vận hội.

"Thất bại thì mọi nhận xét đều do khách quan và nói chung chung không ai dám nhận trách nhiệm. Cứ đà này thì thể thao nước nhà bao giờ mới bắt kịp khu vực và thế giới", bạn đọc Nguyễn Kim Sơn đặt vấn đề xem ai sẽ nhận trách nhiệm cho thất bại của Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Ngay sau Olympic Tokyo 2020, một số quốc gia ở Đông Nam Á đã sớm lên kế hoạch hướng đến Olympic Paris 2024. Thái Lan tự tin sẽ cải thiện thành tích khi 30/41 vận động viên của họ đến Nhật Bản đều còn rất trẻ, có tiềm năng. Indonesia cam kết sẽ tổ chức các giải đấu vòng loại để có nhiều suất đến Paris. Còn với Thể thao Việt Nam, việc tìm ai để thay Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh? Môn thể thao nào sẽ được đầu tư mạnh trong 3 năm tới?... vẫn chưa có lời giải đáp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn