MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: HN

Đáp án môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT: Cơ cấu điểm bất hợp lý?

TRẦN QUANG ĐẠI LDO | 10/07/2021 17:20
Nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn về những bất cập, bất hợp lý của đáp án môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT do bộ GDĐT vừa công bố.

Cô Nguyễn Thị Thanh (giáo viên môn Ngữ văn THPT tại Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi thấy đáp án môn Ngữ văn có nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là về cơ cấu điểm. Câu 1 và câu 2 phần Đọc-hiểu, thí sinh chỉ cần chép lại nguyên văn 2 câu từ đoạn trích là có điểm tối đa (1,5 điểm); trong khi câu 4 rất khó, đòi hỏi tư duy sáng tạo, liên hệ, khả năng diễn đạt tương tự một bài nghị luận, thì chỉ được vỏn vẹn 0,5 điểm”.

Cô Thanh cũng chỉ ra bất hợp lý trong cơ cấu điểm câu 3 phần Làm văn, có tổng 5 điểm (50% tổng điểm toàn bài thi). Theo giáo viên này, câu 2 phần Làm văn sau khi trích dẫn 14 câu thơ trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, nêu yêu cầu: “Cảm nhận của anh/chị về những câu thơ trên. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”.

“Với cách diễn đạt như trên, thí sinh sẽ xác định bài làm có 2 phần, mỗi phần có cơ cấu điểm tương đương. Mặt khác, yêu cầu “nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh” là rất khó, yêu cầu 2 thao tác gồm nhận diện và nhận xét, chỉ có những học sinh giỏi văn thực sự mới làm được. Thế nhưng, nội dung này chỉ được cơ cấu 0,5 điểm, tương đương 10% tổng số điểm. Như vậy những học sinh giỏi sẽ rất thiệt thòi”- cô Thanh nói.

Nhiều giáo viên khác còn băn khoăn về tính logic, khoa học của đáp án. TS Văn học Trịnh Thu Tuyết – Hệ thống giáo dục Học mãi (Hà Nội) nhận định về đáp án: “Câu nghị luận văn học cả phần cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đều chưa đề cập tới một nét rất “nữ tính” và rất “Xuân Quỳnh”, đó là những dự cảm lo âu, bất ổn ngay trong đằm thắm, khát khao…”.

Một số giáo viên cũng cho rằng trong đáp án câu 3 phần Đọc hiểu cũng chưa logic. Đề bài yêu cầu: “Những câu văn sau giúp anh chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống của con người: “Một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng”.

Đáp án nêu: “Dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hoà. Cuộc sống của con người thanh bình, yên ả. Dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hoà”.

Theo cô giáo Lê Thu Thủy (Quảng Trị), việc tách một câu văn ra khỏi ngữ cảnh, rồi yêu cầu người khác nêu hiểu biết, thông điệp là đánh đố. Đáp án dòng chảy của nước “chậm rãi, hiền hòa” là không chính xác. Không có nội dung “hiền hòa” trong đoạn văn trên; “chầm chậm” cũng khác biệt với “chậm rãi”.

Cô Thu Thủy cũng không đồng tình với đáp án cho rằng với các thông tin nói trên, có thể khẳng định “cuộc sống của con người thanh bình, yên ả”. “Thông tin văn bản quá sơ lược nên không thể nhận xét. Ví dụ chi tiết “một ông lão băng qua cầu, cô gái tre trên chiếc xe đạp”, thí sinh không thể biết những người đó đi đâu, làm gì, tâm trạng, hoàn cảnh ra sao....nên nói đó là thể hiện cuộc sống “thanh bình, yên ả” là không đủ cơ sở”-cô Thu Thủy băn khoăn.

“Tôi mong rằng Bộ GDĐT nên có sự tiếp thu ý kiến dư luận phản biện về đề thi, đáp án môn Ngữ văn, và có sự thay đổi, điều chỉnh theo hướng khoa học, chính xác, tác động tích cực đến việc dạy học môn Ngữ văn trong trường phổ thông” – cô Thu Thủy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn