MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2003, hầu hết cán bộ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đều được cấp đất từ chương trình cấp đất cho dân nghèo không đất, và hầu hết bán lại sau 20 năm. Ảnh: Nhật Hồ

Đất cấp cho hộ nghèo lại được cấp cho cán bộ, 20 năm mới đề nghị xử lý ở Bạc Liêu

NHẬT HỒ LDO | 05/03/2024 19:07

Chuyện hi hữu này xảy ra tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Năm 2003, huyện cấp đất cho người nghèo không đất sản xuất tại xã Vĩnh Thịnh. Trong danh sách cấp đất có hàng loạt cán bộ. Hơn 20 năm sau, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đề nghị xử lý những sai phạm này.

Cán bộ giành đất với dân nghèo

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu và ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngày 23.12.2003, UBND huyện Vĩnh Lợi (hiện đã tách thành huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi vào năm 2005) đã lập, xây dựng Phương án số 147/PA.UB nhằm giải quyết các phần đất của các ngành, các xã trên địa bàn huyện quản lý, sử dụng để điều chỉnh, cấp lại cho hộ dân nghèo thiếu đất hoặc không đất sản xuất.

Nhiều cán bộ tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình nhận đất từ năm 2005, trong khi đây là chương trình giao đất cho dân nghèo không đất. Ảnh: Nhật Hồ

Theo đó, tổng diện tích đất do UBND xã Vĩnh Thịnh quản lý là 194,5ha, trong đó diện tích UBND xã giao cho hộ dân là 62,5ha… Căn cứ theo phương án, UBND xã Vĩnh Thịnh có tờ trình và được UBND huyện đồng ý bằng văn bản với nội dung: “UBND huyện đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 52 hộ, với diện tích là 62,5ha, tọa lạc tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh".

Đáng chú ý, UBND xã Vĩnh Thịnh cấp cho 13 cán bộ chủ chốt, cấp ủy của xã như: Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ tư pháp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Đảng ủy xã. 9 trường hợp khác gồm các cán bộ như: Công an xã, Phó Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy… nhận đất xong rồi chuyển nhượng cho người khác.

Nhiều bộ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình thời điểm năm 2003 đều nhận đất từ nguồn cấp cho hộ nghèo. Ảnh: Nhật Hồ

Không riêng gì cán bộ mà người quen của cán bộ nhận chuyển nhượng đất cũng được UBND xã hợp thức hóa bằng cách cấp đất không thu tiền sử dụng đất. Đơn cử, trường hợp ông Mai Văn Trận, nhận chuyển nhượng đất của ông Huỳnh Hoàng Khởi, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Lạc với diện tích 8,5 ha. Năm 2005, ông Trận được UBND xã Vĩnh Thịnh xét giao đất không thu tiền sử dụng đất. Con ông Trận là bà Mai Cẩm Giang, hiện là cán bộ đứng tên 1,5 ha đất nhưng không sản xuất.

20 năm sau mới đề nghị xử lý

Cuối tháng 2.2024, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu công bố Kết luận thanh tra đã chỉ ra việc giao đất theo phương án trên có nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm như: Giao đất cho một số đối tượng là cán bộ đang công tác ở xã, huyện, tỉnh không đảm bảo tiêu chí nên tại thời điểm đó, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện chưa đồng tình và được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.

Kết luận thanh tra vào năm 2024 nêu: “Việc Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình ban hành Quyết định số 01/QĐ.CT ngày 17.1.2006 về việc giao đất cho 34 hộ gia đình tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh là sai thẩm quyền quy định tại khoản 2, Điều 37, Luật Đất đai năm 2003. Trong số 34 hộ được giao đất không thu tiền sử dụng đất theo Quyết định số 01/QĐ.CT, có 20 hộ được giao đất là những đối tượng hợp thức hóa từ việc giao đất sai quy định cho một số cán bộ chủ chốt, cấp ủy của xã Vĩnh Thịnh”.

Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, giao Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình truy thu tiền sử dụng đất đối với những cán bộ chủ chốt của xã Vĩnh Thịnh được cấp đất và cá nhân thuê đất sai quy định liên quan đến diện tích giao đất cho 20/34 hộ nộp vào ngân sách nhà nước, tránh thất thoát tài sản nhà nước trong quản lý, sử dụng đất…

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị giao UBND huyện Hòa Bình tổ chức kiểm điểm có hình thức đối với tập thể và các cá nhân có liên quan đến việc giao đất cho 34 hộ gia đình tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn