MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đấu giá biển số đẹp: Dự thảo và nguyện vọng

LÊ PHI LONG LDO | 13/07/2022 09:14
Chủ trương đấu giá biển số đẹp rất được dư luận đồng tình, vì đây là nguyện vọng chính đáng mà đã 30 năm nay chưa thực hiện được. Qua đó sẽ khắc phục các tồn tại, bất cập của công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông hiện nay, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

Còn nhớ, năm 1993, Bộ Công an triển khai kế hoạch "cấp biển số xe tự chọn", hay còn gọi là đấu giá biển số đẹp và Công an Hải Phòng được chọn thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, sau đó do vướng mắc trong các quy định liên quan nên không có căn cứ pháp lý để triển khai. 

Hơn 10 năm sau, Nghệ An và Bình Thuận "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số đẹp, thu về hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục bị “tuýt còi” vì vướng thủ tục pháp lý.

Đến năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số đẹp, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương nhưng sau đó lại tiếp tục không triển khai được do nhiều vướng mắc.

Vậy nên, năm nay dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá vừa được ban hành rất phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chủ phương tiện có quyền lựa chọn biển số xe theo sở thích. 

Khi có được biển số đẹp qua đấu giá, người sở hữu có quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, tuy nhiên không được chuyển nhượng chỉ mỗi biển số trúng đấu giá mà phải kèm theo xe - Đó là nội dung trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Người trúng đấu giá cũng được quyền chuyển nhượng, bán, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; nhưng không được chuyển nhượng riêng biển số trúng đấu giá, mà phải kèm theo xe.

Còn người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ xác định biển số "là tài liệu của cơ quan nhà nước" mà chưa coi như tài sản cá nhân.

Vì vậy, việc người trúng đấu giá chỉ được chuyển nhượng biển số đẹp đi kèm theo xe cũng đã khiến cho nhiều người rất băn khoăn.

Băn khoăn bởi tính thực thi của nó khi được áp dụng thực tế. Ví dụ chiếc xe có “biển số đẹp” được bán ra địa bàn ngoại tỉnh thì sao khi thay địa bàn quản lý?

Nếu giữ nguyên đầu số thì sai quy định, nếu thay đầu số thì phải thay luôn cả biển số, tức là mất đi “biển số đẹp”?

Hay việc khi tổ chức bán đấu giá “biển số đẹp”, người không có xe ô tô có quyền tham gia đấu giá? Bởi nếu không quy định chặt chẽ việc này thì sẽ nảy sinh vấn đề “đầu cơ” biển số đẹp, từ đó lại vô tình “làm giàu” cho các đối tượng khác, trong khi người có nhu cầu thực sự lại không được sở hữu.

Vì vậy, nên có một cơ chế thoáng trong việc chuyển nhượng “biển số đẹp”, không nên nhất thiết phải cấm đoán.

Đã là dự thảo thì sẽ còn sửa đổi, nên hy vọng sẽ có sự điều chỉnh, sửa đổi hợp lý để dư luận khỏi “vừa mừng - vừa lo”.

Còn nhớ, câu chuyện những người vô tình bấm được biển số xe “ngũ quý”, sau đó được bán sang tay có giá cao “ngất ngưởng” tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm dư luận xôn xao. Qua đó mới thấy, nếu không triển khai đấu giá biển số đẹp, ngân sách Nhà nước sẽ để để lọt một nguồn thu không nhỏ. 

Theo nhận định chung, việc đấu giá biển số đẹp nên triển khai càng sớm càng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và tăng ngân sách cho Nhà nước.

Tuy nhiên, việc triển khai phải đồng bộ, hợp lý, hiệu quả để không phải “rối” khiến chủ trương đúng nhưng khi thực hiện dân lại thêm “lo” - là vì đồng tiền mình bỏ ra đấu giá không đúng với nguyện vọng thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn