MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đấu giá mũ quan triều Nguyễn: Cần tâm, tài trong khi chờ gỡ cơ chế

Tường Minh LDO | 26/10/2021 06:59

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng, muốn đấu giá được cổ vật ở nước ngoài như mũ quan triều Nguyễn thì cần tâm và tài trước khi chờ tháo gỡ cơ chế.  

Trao đổi với phóng viên Lao Động, TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - cho biết, việc “hồi hương” cổ vật Việt Nam ở nước ngoài như mũ quan triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha là một nhiệm vụ gian nan vì nhiều lý do.

Thứ nhất, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài.

Thứ hai, chúng ta có quá ít thông tin về cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, kể cả cổ vật được rao bán trong các cuộc đấu giá.

Thứ ba, chúng ta chưa có chính sách thích hợp để “hồi hương” cổ vật.

Xe kéo vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh là thương vụ đấu giá thành công của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế năm 2015. Ảnh: Từ Ân

Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, những vướng mắc đó là chuyện không phải mới ngày một ngày hai. Và không phải vì thế chúng ta không có cơ hội trong các cuộc tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài.

TS Phan Thanh Hải cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc Huế thất bại trong vụ đấu giá bức tranh “Chiều tà” 11 năm trước và bây giờ là bỏ lỡ cơ hội đấu giá mũ quan triều Nguyễn, ngoài vấn đề cơ chế, kinh phí, còn “vướng” ở chỗ hai chữ tâm và tài.

Tâm, là sự đeo bám quyết liệt, không ngại, không sợ, kể cả quá trình làm và trình gỡ thủ tục với lãnh đạo địa phương, kể cả không sợ dị nghị của người khác đối với việc làm của mình.

Tài, là việc huy động, kêu gọi nguồn lực ngoài việc xin cấp kinh phí nhà nước; huy động được các tổ chức và đông đảo người yêu văn hoá ủng hộ tinh thần và tài lực. Biết gỡ những nút thắt; biết tận dụng mối quan hệ với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để nhờ hỗ trợ thủ tục, kêu gọi kiều bào ủng hộ…

Và TS Phan Thanh Hải đã minh chứng vấn đề này bằng thành công của thương vụ đấu giá xe kéo của vua Thành Thái tặng cho mẹ là Hoàng thái hậu Từ Minh để dạo chơi trong vườn ngự uyển, vào năm 2015, khi ông làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.  

“Trước khi diễn ra phiên đấu giá, chúng tôi nhận được một tệp hồ sơ hiện vật ở dạng file điện tử do Văn phòng bán đấu giá Rouillac (Pháp) cung cấp, nội dung liên quan đến hiện vật” - ông Hải nhớ lại.

Đó là tệp hồ sơ hoàn chỉnh gồm có thư từ, ghi chú, các bài cắt ở báo chí, hình ảnh, biên nhận viết tay có chữ kí của vua Thành Thái. Đặc biệt, những bài báo đăng ở một tạp chí thời đó vào ngày 26.10.1907 (từ trang 265 đến trang 269) có đề cập về việc vua Thành Thái bán chiếc xe kéo cho ông Jourdan (quốc tịch Pháp).

Ngày 13.6.2014, chiếc xe cùng với long sàng được đưa ra bán đấu giá tại Chateau de Cheverny - Pháp. Giá khởi điểm của nhà đấu giá Rouillac đưa ra là 1.000 Euro. Thời điểm đó, do không thể trực tiếp sang Pháp để trực tiếp tham gia phiên đấu giá, tổ đấu giá cổ vật của tỉnh Thừa Thiên Huế buộc phải đấu giá qua điện thoại với sự hỗ trợ kiều bào ở nước ngoài.

Sau nhiều bước giá với sự cạnh tranh khá khốc liệt của nhiều tổ chức tham gia, cuối cùng, chiếc xe kéo cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế đấu giá thành công với tổng kinh phí 55.800 Euro.

Ngoài việc sử dụng kinh phí từ ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế để tham gia đấu giá, hiện vật này còn có sử dụng phần đóng góp của bà con Kiều bào ở Pháp với số kinh phí 10.000 Euro, của các nhà hảo tâm trong nước với số kinh phí 3.000 Euro.

Đặc biệt, TS Phan Thanh Hải cùng chị gái của mình lúc đó cũng đã bỏ tiền túi hơn 1.500 Euro để đóng góp vào kinh phí đấu giá. Sau khi đấu giá cổ vật thành công, bằng đường hàng không, chiếc xe đã về đến Huế ngày 25.4.2015 sau hơn 100 năm “lưu lạc” xứ người.

“Việc mua được chiếc xe này gặp nhiều khó khăn, vì khi đấu giá thành công vẫn bị Bảo tàng Guimet - Pháp tranh chấp. Bảo tàng Guimet là bảo tàng lớn, rất có uy tín ở Pháp và trên thế giới. Nếu không có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, chắc chắn chúng tôi không thắng trong cuộc tranh chấp đó” - TS Phan Thanh Hải nhớ lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn