MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh T (Nghệ An) bấm được biển "ngũ quý" siêu đẹp. Ảnh: CP

Đấu giá tài nguyên số quốc gia để tăng thu ngân sách

QUANG ĐẠI LDO | 16/04/2022 10:59

Dư luận tại Nghệ An, Hà Tĩnh đang xôn xao về trường hợp người dân ngẫu nhiên bấm được biển số xe “ngũ quý” có giá rất cao ngoài thị trường. Nếu tổ chức đấu giá, ngân sách sẽ có khoản thu không nhỏ.

Cụ thể, tại Nghệ An, chiều 14.4, anh T đi làm thủ tục đăng ký cho chiếc KIA Sonet mới mua và bấm trúng biển số 37A-999.99. Ngay sau khi bấm được biển số ngũ quý 9, anh T nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị mua lại chiếc xe mới của mình. Được biết, chiếc xe có giá lăn bánh khoảng 700 triệu đồng đã được bán cho một người tại Hà Nội với giá 1,6 tỉ đồng.

Vào ngày 15.4, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này vừa đăng ký thành công cho anh N.Đ.Tr (huyện Can Lộc) biển số "ngũ quý" 4 (38A-444.44). Anh Tr cho biết, chiếc xe Creta anh vừa mua với giá 800 triệu đồng.

Hai thông tin nói trên gây xôn xao dư luận. Lâu nay, nhiều người mặc định về mối quan hệ “xe sang – biển đẹp”, với thực tế những biển số được cho là đẹp hoặc “siêu đẹp”, “siêu VIP” hầu hết đều gắn lên những chiếc xe sang hoặc siêu sang. Còn làm cách gì để “xe sang” có “biển đẹp” thì người dân không biết.

Một số ý kiến trên mạng xã hội đồn đoán, lý giải về nguyên nhân sự việc nói trên, là xuất phát từ sự kiện nguyên Trưởng Phòng CSGT đường bộ tỉnh An Giang, đại tá Nguyễn Bá Quận vừa bị khởi tố về liên quan hành vi can thiệp vào phần mềm hệ thống đăng ký, quản lý, cấp biển số phương tiện giao thông để lựa chọn số sai quy định.

Nguyên nhân sự việc chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận, tuy nhiên từ hiện tượng nói trên, một lần nữa dư luận lại đặt ra vấn đề cần tổ chức đấu giá biển số “đẹp” để tăng nguồn thu ngân sách.

Trước đây, đã có địa phương thí điểm tổ chức đấu giá biển đẹp thu ngân sách, đạt một số kết quả ban đầu, song sau đó không được luật hóa. Thực tế nhu cầu về biển đẹp của người dân là có thật, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để được sở hữu các biển đẹp, biển “VIP” hoặc biển số “độc” theo yêu cầu.

Không tổ chức đấu giá biển số đẹp, “độc”, ngân sách để để lọt một nguồn thu không nhỏ. Đây là điều mà dư luận băn khoăn rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế.

Cùng với biển số xe, số điện thoại cũng là nguồn tài nguyên số có thể khai thác bằng hình thức đấu giá để tăng thu ngân sách. Nhu cầu về số điện thoại “đẹp”, VIP là rất lớn, nhiều số được bán với giá rất cao trên thị trường. Do đó, đã có nhiều ý kiến đề nghị xây dựng cơ chế đấu giá số điện thoại để tăng thu ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Vào năm 2016, đại biểu  quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng hiện tài nguyên kho số điện thoại, biển số xe rất lớn, nên quy định 2 loại này là tài sản công và đem đấu giá thu tiền về cho ngân sách.

Trong khi ngân sách đang rất khó khăn, cần tận dụng tối đa để phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường huy động vốn trong dân nhưng chưa khả thi, nên theo đại biểu, việc đấu giá và cấp số xe, điện thoại là nên làm vì phù hợp với nhu cầu của người dân, nguồn thu không phải nhỏ mà Nhà nước không phải trả lãi hay vốn.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh ước tính nếu thực hiện thì nguồn thu trong vài chục năm tới lên đến cả triệu tỉ đồng.

Thiết nghĩ, các cơ quan lập pháp nên nghiên cứu giải pháp khai thác tài nguyên số quốc gia để tăng thu ngân sách, hạn chế tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn