MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đầu năm dạy trẻ ứng xử đúng mực khi nhận lì xì

ANH THƯ LDO | 22/01/2023 07:05

Lì xì đầu năm là phong tục tốt đẹp của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, những năm gần đây, thái độ ứng xử với lì xì, đặc biệt là của trẻ em lại trở thành nỗi băn khoăn.

Lì xì là nói cái bao bì, ngày xưa có thể dùng phong giấy đỏ, biểu hiện cho sự may mắn, trân trọng. Một mặt, lì xì biểu hiện cho sự trân trọng đối với người trên. Bên cạnh đó, là biểu hiện cho sự quan tâm, chăm sóc, mong muốn đối với người dưới, có thể là hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, thành đạt,…

Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu chỉ hiểu hẹp theo một phong tục, lì xì là một phong tục tốt đẹp. Nó biểu hiện một cái tình cảm trân trọng, tình cảm quý mến".

Theo vị này, lì xì cũng có thể diễn ra trong cả một năm nhưng chủ yếu tập trung vào thời gian thiêng, không gian thiêng. Thời gian thiêng là dịp Tết, không gian thiêng là không gian ngày Tết.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Thư.

Ông Đức cho biết, theo nghĩa rộng thì lì xì chính là biểu hiện sự duy trì quan hệ xã hội nói chung như: quan hệ gia đình, huyết thống, họ hàng, thân tộc, quan hệ bạn bè, bằng hữu, thầy trò,… Nó là việc tiếp nối và tạo dựng, nhân rộng, nhân sâu những quan hệ xã hội. Nó ở phạm trù tặng quà, biếu quà để tạo ra và duy trì quan hệ xã hội. 

Theo chuyên gia này, tuy nhiên cái gì cũng sẽ có sự biến đổi. Trước hết là về mặt hình thức, ngày xưa lì xì có thể chỉ bằng phong giấy đỏ nhưng bây giờ phong bao đã được làm chất lượng, đa dạng mẫu mã hơn.

"Ngày xưa có thể lì xì đồng tiền nhỏ và bây giờ có thể lì xì đồng tiền lớn hơn. Nó có 2 nghĩa, vì kinh tế phát triển thì lì xì lớn hơn, xưa là mấy hào, giờ có thể là mấy chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, hàng triệu hoặc hơn. Đấy là thành quả của sự phát triển kinh tế các quốc gia dân tộc nói chung, trong đó có nước ta”- PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Bên cạnh mặt tích cực, việc lì xì hiện nay nhiều khi bị biến tướng. Ông Đức cho rằng: “Lì xì ngày nay nhiều khi trở thành cái gọi là đút lót, trả ơn, trả nghĩa. Có thể nói đó là thứ trá hình là sự đổi chác, tham nhũng, của lót, của đút”.

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, trẻ em cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều trẻ em cũng thích được lì xì nhiều tiền hơn. "Ví dụ tôi chứng kiến có những đứa trẻ mở phong bao ra, thấy mệnh giá nhỏ thì mặt ỉu xìu. Chứng tỏ cũng có sự chạy theo, hám theo lợi ích” – PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ.

Ông cho biết thêm, ngày xưa trẻ con nhận lì xì, khoanh tay vào và nói lời cảm ơn. Bây giờ vẫn còn rất nhiều gia đình như vậy. Nhưng có những đứa trẻ khi đưa lì xì ra thì giật phăng lấy, mở ra trước mặt khách, nhìn và đếm xem đó là đồng tiền to hay nhỏ. Đó là sự biến tướng.

Để giải quyết vấn đề trên, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng chúng ta phải dạy con trẻ và nhiều thế hệ người Việt Nam biết ý nghĩa của lì xì và thái độ với lì xì. Phải dạy cho trẻ em biết tích góp, quý trọng đồng tiền lì xì. Vì trẻ con chưa làm lao động sản xuất, chưa làm ra tiền thì phải quý trọng cái mà mọi người cho. 

“Dạy cho trẻ em quý trọng đồng tiền không có nghĩa chỉ là quý trọng đồng tiền dù là nhỏ mà còn dạy cho trẻ biết chắt chiu, tích góp công sức, giá trị của đồng tiền để rồi tạo ra cái lớn. Và điều ấy cũng là bài học nhân sinh cho cuộc đời một con người” – PGS.TS Lê Quý Đức quan điểm.

Với ông, tuy rằng lì xì chỉ là nhận phong bao đồng tiền nhưng nếu suy rộng ra, đó chính là dạy một đạo lý làm người, cách thức làm người, cách thức để trở thành con người phát triển, người lớn, người trưởng thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn