MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân thi công lát đá vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh minh họa: LĐO.

Đậu xe lên vỉa hè đang lát đá: Hành vi thiếu ý thức, cần bị xử lý

Thế Lâm LDO | 17/04/2021 17:00
Một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, trong những ngày qua khi lực lượng thi công đang triển khai lát đá vỉa hè, chưa hoàn chỉnh, nhưng đã bị nhiều ôtô chạy lên đậu tùy tiện.

Vỉa hè chưa lát xong, còn nhôm nham; ximăng, vữa, đá lát chưa thể kết dính chặt, ôtô với tải trọng nặng chạy lên đậu, chắc chắn gây ảnh hưởng đến công trình đang thi công. Cụ thể, gạch lát có thể bị vỡ, vữa có thể bị lún khiến cho mặt bằng vỉa hè của những chỗ đã lát đá không được bằng phẳng, ảnh hưởng đến chất lượng chung của công trình.

Trường hợp lực lượng thi công phải làm lại hoặc chỉnh sửa, cũng sẽ mất thêm thời gian, công sức, nguyên vật liệu, gây ra tốn kém.

Hành vi đậu ôtô một cách tùy tiện, thậm chí có thể nói là bừa bãi như vậy, là không thể chấp nhận được. Tất nhiên, yếu tố thường được đưa ra để nhận định cho những hành vi như thế, là thiếu ý thức, là ý thức kém…

Song trên thực tế, không ít người nhận thức rất rõ là, việc đậu xe tùy tiện trên vỉa hè đã là vi phạm các qui định về giao thông và quản lí đô thị, chứ chưa nói đến việc họ cũng thừa biết rằng chạy xe lên đậu trên vỉa hè đang được thi công lát đá chưa xong hoàn toàn có thể gây hư hại đến công trình.

Vậy vì sao họ vẫn chạy xe lên đậu? Chỉ có thể nói, nguyên nhân còn có phần do tính ích kỉ, bất chấp, chỉ biết được cho mình mà không cần biết đến cái chung. Cho nên, vỉa hè nhanh hư hỏng cũng có phần do những hành vi như thế góp phần gây ra.

Lực lượng thi công thì vẫn phải làm, chứng kiến cảnh ôtô leo lên vỉa hè đang lát gạch chưa hoàn thiện mà không có quyền ngăn cản, thấy công sức của mình bị hao phí mà không thể làm gì. Ngăn cản ư, biết đâu lại xảy ra chuyện không hay gây mất trật tự an ninh xã hội. Trong những trường hợp như vậy, chỉ còn biết trông chờ vào lực lượng chức năng.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, dù lực lượng chức năng có đi tuần soát thì cũng khó bao quát hết được, vấn đề là cần tai mắt từ người dân là những cảm biến của xã hội, để góp phần vào việc xử lí, chấn chỉnh các hành vi thiếu văn minh và vi phạm các qui định của pháp luật.

Theo đó, cần có những đường dây nóng để cung cấp thông tin về quản lí đô thị, cần được công bố rộng rải và thường xuyên trên các biển/bảng quảng cáo trên phố để người dân biết và nhớ. Thậm chí, có thể xây dựng các ứng dụng (app) về quản lí đô thị cung cấp thông tin các đường dây nóng như một tiện ích cho người sử dụng smartphone đang rất phổ biến hiện nay.

Trong trường hợp vỉa hè đang lát đá dở dang bị xe ôtô chạy lên đậu gây hư hại, nếu lực lượng chức năng chưa kịp thời phát hiện nhưng nếu được người dân cung cấp thông tin kịp thời qua những kênh thông tin khác nhau, lực lượng chức năng có thể đến hiện trường đúng lúc để kiểm tra, bắt quả tang và xử lí.

Không có phương án nào ưu việt hơn là cung cấp các phương tiện truyền thông thuận lợi để người dân có thể nâng cao vai trò giám sát của mình và góp phần vào việc giữ gìn các công trình chung, chấn chỉnh các hành vi thiếu ý thức và văn minh.

Song cũng còn phụ thuộc vào lực lượng chức năng có xử lí mạnh mẽ và kiên quyết các vụ vi phạm như thế hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn