MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công việc nấu ăn, nội trợ không chỉ là công việc dành cho phụ nữ. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân

Dạy nữ công gia chánh trong trường học ở Huế: Nam sinh có được học?

Bạn đọc Quế Chi LDO | 13/03/2021 11:27

Nghe thông tin thí điểm khôi phục việc dạy nữ công gia chánh tại trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), một câu hỏi bỗng dấy lên trong tôi: Nam sinh có được theo học bộ môn này?

Đây là một câu hỏi thoạt tiên có vẻ khá… buồn cười, vì tự tên gọi môn học này (nữ công gia chánh) đã trả lời: Đây là một bộ môn chỉ dành cho nữ giới. Tuy nhiên, đây là một câu hỏi mang tính chất nghiêm túc, bởi đó không chỉ là chuyện môn học, mà còn liên quan đến định kiến giới, bình đẳng giới.

Trong quan niệm của không ít người, nấu nướng, nội trợ… là việc của phụ nữ. Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế (ILO) mới đây, tại Việt Nam, hầu hết phụ nữ dành một quỹ thời gian nhất định cho việc nhà, trong khi tỷ trọng này ở nam giới là thấp hơn và có đến gần 20% nam giới cho biết không hề dành chút thời gian nào cho việc phụ giúp việc nhà. Trong số những người tham gia làm việc nhà, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ một tuần, nam giới là 10,7 giờ.

Bên cạnh đó, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”; đàn ông là phải “chọc trời khuấy nước mặc dầu”, đàn bà thì “nâng khăn sửa túi”; đàn ông phải mạnh mẽ, ăn to nói lớn, đàn bà phải nhẹ nhàng, dịu dàng… vẫn là nếp nghĩ đã ăn sâu của không ít người.

Điều đáng mừng là phong trào bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người cũng đang đấu tranh để chống định kiến giới, bởi đó là rào cản cho sự phát triển của mỗi cá nhân.

Ngày nay, nhiều người đã coi việc nhà, chăm sóc con… không phải chỉ dành cho phụ nữ, mà còn là công việc của nam giới. Đó không phải là giúp đỡ giới nữ, mà chính là làm phần việc của mình. Đồng thời, ở ngoài xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ đóng góp vai trò của mình. Giới nữ ngày nay đã tham gia vào gần như mọi lĩnh vực của xã hội, và thực tế cho thấy, họ đạt được những thành tựu không kém gì những người khác giới.

Trở lại câu chuyện về thí điểm dạy môn nữ công gia chánh Trường THPT Hai Bà Trưng tại TP Huế. Được biết, trước đây, tiền thân của trường là Trường Nữ trung học Đồng Khánh. Như vậy, môn học đang được đề xuất đưa trở lại này trước đây chỉ dạy cho nữ sinh. Hiện tại, qua tìm hiểu, được biết, trường có cả nam sinh, vậy môn học này có dành cho cả nam sinh hay không?

Như đã nói ở trên, việc nhà (trong đó có nấu ăn) trong quan niệm tiến bộ ngày nay không chỉ dành riêng cho giới nữ nữa. Nam giới cũng rất cần những kiến thức, kỹ năng về xây dựng cuộc sống gia đình. Văn hóa ứng xử, tác phong rất cần cho phụ nữ, thì nam giới cũng vậy.

Còn nếu nói ở góc độ lớn hơn, là giữ gìn văn hoá truyền thống của Huế, thì chắc chắn một điều, công việc đó phải là công sức của tất cả người dân Huế, không phân biệt giới tính nào!

Giả sử có những nam sinh muốn tham gia môn học này thì sao? Tôi rất muốn được nghe câu trả lời này, dù biết, nếu thực tế nam sinh có được học đi chăng nữa thì định kiến giới, dư luận vẫn là một rào cản lớn. Không ít người sẽ đàm tiếu: Nam giới ai lại đi học nữ công gia chánh?.

Phải chăng, nên tìm một tên gọi khác, tránh tính định kiến giới như cái tên nữ công gia chánh; đồng thời cho học sinh của trường, không phân biệt giới tính, sự lựa chọn: Ai cũng có thể tham gia học, (nhất là khi học nấu các món ăn truyền thống, công việc nội trợ… chẳng hạn). Như vậy cũng là một cách để thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần xây dựng những kỹ năng, kiến thức trong cuộc sống gia đình của cả nam và nữ, cũng như lan toả quan niệm tiến bộ trong giới trẻ về vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn