MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phải được Sở Giao thông Vận tải cấp phép mới được đào tạo lái xe ngoài đường. Ảnh: Huy Thiêm

Dạy tập lái ngoài đường phải được Sở Giao thông Vận tải cấp phép

Minh Hạnh LDO | 09/04/2024 10:44

Ngoài việc học viên phải đáp ứng đủ các điều kiện tham gia tập lái, giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề trợ lái kế bên, các tuyến đường bên ngoài trung tâm để đào tạo lái xe phải do Bộ hoặc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép.

Báo Lao Động ngày 8.4, có đăng tải bài viết “Bức xúc với những xe tập lái lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên”, sau khi báo nêu, nhiều bạn đọc phản hồi cho rằng việc xe tập lái lưu thông trên cao tốc là rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông.

Theo anh Đỗ Xuân Thắng (Đại Từ, Thái Nguyên), đường cao tốc quy định tốc độ tối thiểu là 60km/h nhưng các phương tiện tập lái chạy chậm, nhiều khi chạy dàn hàng ngang khiến các lái xe phía sau ức chế.

Anh Nguyễn Thanh Hoàng (TP Phổ Yên) cho rằng làn cao tốc cho phép chạy 90km/h mà xe tập lái chạy vào là rất nguy hiểm. Cùng đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có nhiều phương tiện lưu thông, nhất là vào khung giờ cao điểm khi xe đưa đón công nhân tại khu công nghiệp Điềm Thuỵ và Yên Bình tan ca.

Liên quan đến vấn đề này luật sư Vũ Văn Toàn - Công ty luật TNHH Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, xe tập lái (còn gọi là xe huấn luyện lái) là một loại xe đặc biệt được sử dụng trong quá trình đào tạo và huấn luyện người lái xe.

Xe tập lái thường được sử dụng trong các trung tâm đào tạo lái xe, trường học, tổ chức giáo dục và các cơ sở đào tạo lái xe khác để hướng dẫn và rèn luyện những kỹ năng lái xe cần thiết cho người học.

Theo quy định của pháp luật về đào tạo lái xe tại Việt Nam, các xe tập lái chỉ được phép di chuyển trên những tuyến đường đã được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái. Cơ sở đào tạo lái xe sẽ được cấp giấy phép xe tập lái từ Sở GTVT cấp tỉnh hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và trong giấy phép này (Phụ lục VII kèm theo Nghị định 65/2016/NĐ-CP), sẽ ghi rõ danh sách các tuyến đường mà xe tập lái được phép hoạt động. Theo đó, các tuyến đường mà xe ôtô tập lái chỉ được chạy bên ngoài cơ sở đào tạo phải do Bộ hoặc Sở GTVT của tỉnh quy định.

Những tuyến đường được cấp phép thường là những tuyến đường vắng người, bên cạnh đó người tập phải là người đáp ứng đủ các điều kiện tham gia tập lái cũng như phải có giáo viên có chứng chỉ hành nghề trợ lái kế bên.

Cùng đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải có giấy phép xe tập lái do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT cấp. Xe tập lái phải có biển xe “Tập lái” theo mẫu; có ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định.

Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”.

Tuyến đường mà xe ô tô tập lái chỉ được chạy bên ngoài cơ sở đào tạo phải do Bộ hoặc Sở GTVT của tỉnh quy định (đường cao tốc), giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái.

Đối với các trường hợp nêu trên mà vi phạm nêu trên sẽ bị xử phạt theo Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với các mức phạt tiền từ mức thấp nhất là 600.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng, trong đó có xe tập lái đi vào các tuyến đường không được cấp phép.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị đình chỉ tuyển sinh từ 1 tháng đến 3 tháng hoặc 2 tháng đến 4 tháng. Trung tâm sát hạch lái xe bị tước quyền sử dụng “Giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động” từ 1 đến 3 tháng hoặc từ 2 tháng đến 4 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn