MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để ai ai cũng "vui như Tết", đừng chờ ngày 30 mới mua hoa!

KHÁNH LINH LDO | 10/02/2021 15:48

Ngày 29 Tết, mọi người đã gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, thì những người trồng hoa, bán hoa lại đang chất chồng… lo lắng. Tiểu thương sốt ruột với "canh bạc" của mình, bởi hoa đưa xuống thành phố nhiều rất nhiều, nếu không bán được hoa, có nghĩa họ không có Tết.

Đặt cả cái Tết của gia đình vào sạp hoa

TPHCM ngày 29 Tết thời tiết vô cùng thuận lợi, không khí mua bán cũng đã trở nên tấp nập hơn tại các chợ hoa Xuân khu vực trung tâm thành phố, điển hình như chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Trần Xuân Soạn... Sau những ngày chợ vắng đìu hiu, hôm nay chợ đã đông trở lại, xoá bớt phần nào nỗi lo lắng trên gương mặt những tiểu thương, người trồng cây.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại các chợ hoa lớn, lượng hoa tươi được các tiểu thương đưa lên từ các vùng trồng hoa của miền Tây vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là các loại hoa cúc, vạn thọ.

Các ghe vẫn còn chật kín hoa chờ đến lượt được lên quầy. Ảnh: KL.
Trong khi đó trên bến, hoa cũng đã được bày bán kín vỉa hè với đa dạng các chủng loại như cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, cúc đồng tiền... Ảnh: KL.

Theo Anh Tư (Bến Tre) chủ ghe hoa tại chợ hoa Trần Xuân Soạn (Quận 7, TPHCM) mấy ngày vừa rồi, quanh chợ mọi người không bán được bao nhiêu. Tuy nhiên, sáng nay, người tới mua nhiều hơn, tuy không bằng các năm trước nhưng cũng đủ khiến những người bán hàng cảm thấy bớt lo lắng hơn.

“Sáng nay người tới mua tấp nập, tôi và mọi người luôn chân luôn tay, thấy vui và phấn khởi hơn hẳn. Cúc năm nay bán chậm hơn mọi năm nhiều, chúng tôi không lường trước được dịch bệnh bùng phát, nên lượng hoa còn rất nhiều“.

Dạo quanh khu vực bán hoa, cây cảnh tại đường Trần Xuân Soạn, các gốc mai, chậu cúc... vẫn còn đầy ứ. Mặc dù sáng ngày 29 Tết, người dân tới mua mang hoa về đã tăng lên, không còn nhiều người tới chỉ để khảo giá.

Người đến đây bán hoa, cây cảnh là dân tứ xứ. Người trồng được mang hoa bán đã dành cả năm chăm sóc, đặt cược nguồn thu của cả gia đình vào vụ mùa Tết. Người bán hoa cũng tranh thủ những ngày giáp tết đi buôn, kiếm bộ quần áo mới cho con. Nhưng ngặt nỗi, buôn “của hàng hoa” vào đúng thời điểm có COVID-19 lại rủi ro quá lớn.

“Nhiều người kỳ lắm, chờ tới lúc sắp tan chợ, trưa chiều 30 Tết khi chúng tôi dọn hàng mới ra mua. Họ biết tâm lý người trồng, người bán chúng tôi lúc đó có lỗ cũng phải bán tháo để thu hồi vốn về" - Anh L.N.N (Đồng Nai) - bán hoa tại chợ 23/9 tâm sự.

Để ai ai cũng được vui trong ngày Tết!

Theo khảo sát của PV, hiện tại giá hoa ở các chợ hoa Xuân trong TPHCM đều không quá cao, thậm chí một số nơi đã bắt đầu giảm giá.

Các chậu cúc các loại đều có mức giá từ 50.000-100.000 đồng/chậu tuỳ vào kích thước và màu sắc, số lượng cúc đặc biệt còn rất nhiều. Ảnh: KL.
Hoa mai cỡ nhỏ để bàn có giá từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng, tuỳ vào gốc. Cây mai lớn hơn, có chiều cao dưới 1m có giá dao động từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng.

Người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỉ mỉ, đến khi cuối năm họ chấp nhận đứng giữa trời, ăn ngủ sinh hoạt trong bạt để mang hoa lên phố, đem không khí tết đến cho mọi nhà. Họ cũng xứng đáng có được cái Tết ấm no, vui vẻ.

Những ngày gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện thông điệp kêu gọi: “Đừng đến 30 mới mua hoa chơi Tết”. Ảnh: KL.

Tết đang đến gần, để ai cũng trọn niềm vui, để người bán hoa không phải vứt bỏ hoa lại chợ hoa, để những chậu hoa xinh đẹp không bị biến thành rác thải, người dân hãy đi mua hoa sớm. Mong rằng Tết năm nay sẽ không còn cảnh “kẻ khóc, người cười”, hoa bị bỏ lại như rác trong đêm 30.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn