MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch

PHAN DUY NGHĨA LDO | 01/09/2021 21:55

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã lên phương án dạy học trực tuyến. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để học trực tuyến. Giải pháp nào để giúp đỡ các em?

Phân nhóm học sinh để có giải pháp hiệu quả         

Nhà trường, giáo viên cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh từ đó phân đối tượng học sinh thành các nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả, đảm bảo không để bất kỳ học sinh nào không được học tập. Có thể chia thành các nhóm như sau:

Nhóm 1: Học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến.

Với nhóm học sinh này, nhà trường và giáo viên chủ động xác định các môn học, nội dung dạy học trực tuyến phù hợp; hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập. 

Để gây sự hứng thú và tránh mệt mỏi cho học sinh, giáo viên cần xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với đặc điểm tâm lí của học sinh khi học online như: điều chỉnh về thời lượng tiết dạy, đa dạng hóa phương pháp và hình thức dạy học. Thời lượng mỗi tiết dạy học: Đối với cấp tiểu học khoảng 25-30 phút, mỗi buổi dạy không quá 3 tiết; đối với cấp THCS, THPT khoảng 40-45 phút, mỗi buổi dạy không quá 4 tiết.

Đồng thời để tránh cho các em học sinh trong một gia đình học trùng giờ nhau, các nhà trường kiến nghị với các cấp quản lí giáo dục sắp xếp các khung giờ học cho các cấp học lệch nhau, chẳng hạn: Đối với cấp THPT: từ 7 giờ đến 11 giờ; đối với cấp THCS: từ 14 giờ đến 17 giờ; đối với cấp tiểu học: từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày.  

Nhóm 2: Học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được.

Hiệu trưởng các trường học chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua zalo, Facebook,… hoặc gửi tài liệu đến các em học sinh.  

Nhóm 3: Học sinh không thể học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được

Đối với nhóm học sinh “đặc biệt” này, nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,... phân công giáo viên kèm cặp, phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các em học tập.  

Sau khi học sinh trở lại trường học tập, nhà trường tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu, nhất là các em thuộc Nhóm 2, Nhóm 3.

Giúp đỡ thiết bị học trực tuyến

Đối với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể trang bị được các thiết bị để học trực tuyến, nhà trường lập danh sách cụ thể để tham mưu với chính quyền địa phương, kêu gọi các tổ chức và cá nhân hỗ trợ mua thiết bị học trực tuyến cho các em.

Hiện nay, giải pháp hiệu quả mà một số trường học đã làm là xây dựng “ATM điện thoại - máy tính giúp học sinh nghèo”. Nhà trường, giáo viên viết “Thư ngỏ” gửi đến thầy cô giáo, phụ huynh, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ hoặc cho nhà trường mượn điện thoại thông minh cũ, máy tính đã qua sử dụng nhằm trang bị cho học sinh học trực tuyến.  

Năm học 2021-2022 sẽ là năm học gặp nhiều khó khăn và thử thách bởi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Để vượt qua khó khăn này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng thuận, sự chung tay, tham gia tích cực của phụ huynh và toàn xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn