MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề thi Ngữ văn không sử dụng văn bản trong SGK: Hãy học bằng trái tim!

LƯƠNG HẠNH LDO | 25/07/2022 14:28

Nhiều bạn đọc tỏ ra đồng tình với việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, ra đề thi môn Ngữ văn không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa từ năm 2023. 

Yêu cầu đổi mới này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra trong hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông ban hành ngày 21.7.

Theo đó, để tiếp tục khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn.

Việc này nhằm tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Đồng tình với đổi mới này, bạn đọc Đình Đạt bày tỏ: "Thế mới đúng bản chất của việc học văn. Học thuộc rồi vào phòng thi chép thì khác gì thi luyện viết chữ đẹp".

Bạn đọc Phạm Hằng chia sẻ: "Mỗi lần đến mùa thi là một bộ phận người dân, học sinh trầm trồ khen đề văn nước ngoài hay rồi chê Việt Nam chỉ biết phân tích văn học. Bây giờ không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa nữa thì những học sinh trước kia khen tốt nghiệp hết rồi".

"Sách giáo khoa là dạy các cháu học sinh cách cảm thụ, biết cảm thụ rồi phải thi ngoài sách giáo khoa là đúng. Khổ Bộ GDĐT, cải cách đúng cũng bị chê. Thế mà suốt ngày khen đề văn của các nước khác", bạn đọc Trần Hiển Đức viết.

Bạn đọc Huệ Thanh bày tỏ: "Yêu cầu này sẽ giúp học sinh và phụ huynh rút ra được bài học là không thể học vẹt được, không thể học theo như các cô dạy văn và phải phân tích như cô được. Tôi khuyên thật các em hãy học văn bằng trái tim!".

Bạn đọc Hương Cao viết: "Như vậy không nên gọi là môn Ngữ văn mà phải gọi là sáng tác văn học, phê bình, đánh giá tác phẩm thì hơn. Sắp tới riêng môn ngữ văn sẽ đào tạo ra được rất nhiều những nhà văn tương lai nhờ cách này".

"Đây cũng là một ý tưởng hay dù có phần thách thức cho các cháu. Tuy nhiên nếu chúng ta thay đổi được lối viết theo kiểu lối mòn trong sách bằng cách nêu quan điểm của riêng của từng cháu thì đó mới là điểm hấp dẫn. Càng dễ tìm ra nhân tài. Nếu chỉ học nghị luận văn học trong sách thì toàn là quan điểm chung chung, dập khuôn theo kiểu văn mẫu có sẵn. Đề tài mở rộng như vậy mới giúp các cháu phát triển tư duy logic riêng, quan điểm riêng chứ không theo lối suy diễn của thầy hoặc cô hay của văn mẫu chung", bạn đọc giấu tên cho hay.

Còn theo bạn đọc Lê Đình Sáng: "Bộ GDĐT làm như vậy là để nâng cao tư duy. Tính chất liên tưởng ở mức độ khác so với cách làm cũ là chỉ biết học thuộc rồi khi đi thi chép lại. Cách làm mới tôi nghĩ là có xu hướng tích cực hơn. Một bài kiểm tra bài thi tốt là kết quả của sự tư duy cá nhân tốt. Không lệ thuộc vào bài làm cũ của những thế hệ đi trước. Đó là cách nhìn nhận tích cực. Nhưng nếu làm như vậy thì nhiều học sinh sẽ không mấy quan tâm đến những tác phẩm văn học trong SGK nữa. Vì có đi sâu vào những tác phẩm đó thì đến lúc thi cũng không có...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn