MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị N.A trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đăng tin cảnh báo du khách tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp lại từ màn hình

Để tránh bị lừa đảo tiền đặt cọc du lịch, du khách cần lên tiếng

Đoàn Hưng LDO | 26/06/2023 18:54

Quảng Ninh – Như báo Lao Động đã phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện tình trạng khách du lịch bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức đặt cọc tiền nhà nghỉ, vé tàu qua mạng xã hội. Địa phương đã ra thông báo cảnh báo nhân dân, du khách, đồng thời xử lý một số trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, du khách – những người bị hại cần lên tiếng tố giác để ngăn chặn triệt để thực trạng này.

“Em định báo công an, nhưng khi đăng bài trên mạng xã hội thì thấy nhiều bình luận rằng tài khoản facebook này đã lừa nhiều người rồi. Mình không phải người đầu tiên nên thôi. Không còn cách nào khác, gia đình phải đi thuê 1 căn biệt thự khác”.

Đó là chia sẻ của anh N.N.Q, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với phóng viên báo Lao Động khi đã bị mất 5 triệu đồng do tin tưởng đặt phòng tại Hạ Long qua tài khoản facebook Nguyễn Đạt ngày 20.6.

Khi được hỏi về tình trạng lừa đảo này một vị lãnh đạo Hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho biết: “Hiệp hội chưa nhận được phản ánh của khách hàng về việc bị lừa đảo đặt phòng, vé tàu nhưng qua báo chí, mạng xã hội đã nắm bắt được việc này. Rất mong các cơ quan báo chí vào cuộc tích cực phản ánh tuyên truyền để người dân du khách không bị sập bẫy hình thức lừa đảo này”.

Vẻ đẹp hoang sơ tại Cô Tô. Ảnh: Đoàn Hưng

Trái ngược với anh N.N.Q, chị N.A lại chọn cách hành xử khác. Cụ thể, ngày 12.6.2023, chị N.A trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã đăng bài trong nhóm “Review Cô Tô tất tần tật” để đặt phòng nghỉ.

Sau đó, chị nhận được cuộc điện thoại giới thiệu phòng khách sạn và đặt vé tàu đi huyện Cô Tô.

Do tin tưởng, chị N.A đã chuyển khoản 3 lần, với tổng số tiền 8.860.000 đồng cho đối tượng gọi điện. Sau khi nhận tiền, đối tượng này đã không thực hiện theo những thỏa thuận và chặn mọi liên lạc với chị N.A.

Chị N.A đã trình báo vụ việc tới Công an huyện Cô Tô. Sau khi tiếp nhận thông tin ngày 15.6.2023, Công an huyện Cô Tô đã nhanh chóng điều tra truy xét, làm rõ đối tượng Phạm Trung Anh (sinh ngày 23.11.1993, trú tại Thôn 5 An Bồ, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) là người thực hiện hành vi phạm tội.

Phạm Trung Anh khai nhận thường xuyên truy cập các trang, nhóm du lịch trên mạng xã hội facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có ý định đặt phòng, tour du lịch.

Từ khoảng tháng 6.2022 đến nay, Trung Anh đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo khác nhau chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, với tổng số tiền khoảng 100.000.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động ngày 26.6, chị N.A cho biết|: “Tâm lý của những người đi du lịch muốn không khí vui vẻ, khi bị lừa đảo thường bỏ qua không khai báo cơ quan chức năng. Nhưng em thì khác, sau khi phát hiện mình bị lừa em đã báo cáo sự việc với Công an huyện Cô Tô”.

Theo chị N.A, công an Quảng Ninh làm việc rất chuyên nghiệp, cũng không mất nhiều thời gian khi trình báo sự việc, thời gian phá án nhanh.

"Cũng mong mọi người rơi vào hoàn cảnh giống em thì nên khai báo cơ quan chức năng để những đối tượng lừa đảo sớm bị xử lý theo quy định của pháp luật” - chị N.A chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Minh Tâm –Trưởng Công an huyện Cô Tô - khuyến cáo, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lừa đảo đặt phòng nghỉ, tour du lịch qua mạng xã hội, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt tour du lịch.

Chỉ nên lựa chọn dịch vụ đặt tour du lịch của những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân và uy tín trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn