MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người cha đánh đập con gái 6 tuổi. Ảnh chụp từ clip.

Để trẻ em an toàn trong chính gia đình mình

Ngọc Anh LDO | 01/06/2020 17:20
Giữa một xã hội hiện đại, thế nhưng, cách giáo dục và kỷ luật con cái bằng bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được một số phụ huynh "chấp nhận". 

Theo Unicef Việt Nam, có tới 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Thời gian gần đây, dư luận không khỏi bức xúc khi liên tiếp xuất hiện những thước phim ghi lại cảnh phụ huynh bạo hành dã man con em của mình. Điển hình như vụ việc xảy ra hôm 28.5 vừa qua, mạng xã hội đăng tải đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh người cha đánh đập tàn nhẫn con gái ruột 6 tuổi. Ngay sau đó, công an thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) nhanh chóng xác minh danh tính người đàn ông trong clip là Danh Đa (24 tuổi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa). Tại trụ sở công an, Đa khai nhận nguyên nhân bạo hành bé do phát hiện bé lấy gạo đổ vào cát để đùa nghịch.

Trưa cùng ngày tại xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương), một đoạn clip dài hơn 3 phút về vụ việc bé trai 5 tuổi bị mẹ kế liên tục dùng tay chân đánh vào người. Thậm chí bóp cổ, mặc cho cháu bé khóc lóc thảm thiết. Chính quyền xã An Bình sau đó đã đưa bé trai về cho ông bà nội chăm sóc. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng giám định tâm thần đối với đối tượng trên.

Khoảng đầu tháng 4, cái chết thương tâm của bé gái 3 tuổi ở Hà Nội, gây chấn động dư luận, khi nghi ngờ bé bị chính mẹ đẻ và cha dượng hành hạ đến chết. Qua quá trình khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định cháu bị chấn thương sọ não, gãy răng, xung huyết ở tim, phổi.

Điều đáng nói, tất cả vụ việc kể trên đều không phải là lần đầu. Và chắc chắn, đâu đó quanh ta, vẫn tồn tại vô số những trường hợp khác tương tự, đang từng ngày đe doạ, xâm hại trẻ thơ bằng nhiều hình thức ở bất cứ môi trường nào, đặc biệt là chính căn nhà của chúng.

 Không ít gia đình hiện nay vẫn áp dụng phương pháp dạy con bằng roi vọt. Mức độ nặng, nhẹ tùy thuộc vào mức độ sai phạm của các em. Vẫn biết nuôi dạy con cái là chuyện riêng của mỗi gia đình. Thế nhưng, giáo dục, kỷ luật bằng hình thức bạo lực cần phải được xã hội nhìn nhận gay gắt như một tội ác.  

Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành. Ngăn chặn và ứng phó với bạo hành trẻ em là thắt chặt hơn hệ thống pháp luật. Bổ sung thêm một số điều luật riêng biệt có sức nặng về pháp lý, như một cách lên tiếng để bảo vệ các em trước mầm mống bạo lực từ chính người nuôi dưỡng chúng.

Thậm chí, nếu có thể, hãy tước quyền làm cha mẹ khi xét thấy có hành vi vượt tầm kiểm soát, hành vi bạo hành tàn nhẫn. Bởi lẽ lúc đó, bản thân những bậc làm cha làm mẹ không còn đủ tư cách để nuôi dưỡng và giáo dục các em như mọi cha mẹ bình thường khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn