MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất 2 phương án rút BHXH 1 lần: Để người lao động chủ động lựa chọn

LƯƠNG HẠNH - BẢO HÂN LDO | 19/03/2023 11:14
Khi không tiếp tục làm công nhân ở các khu công nghiệp, anh Hữu Hậu hy vọng có một khoản tiền mang về quê để làm vốn buôn bán, kinh doanh. Đó là lý do khiến anh chọn rút toàn bộ bảo hiểm xã hội 1 lần thay vì chỉ rút 50% như đề xuất mới đây.

Sẽ rút hoàn toàn BHXH 1 lần

Mới đây, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến với 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13.

Phương án 2, cho phép người lao động hưởng BHXH 1 lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. 

“Hiện giờ còn trẻ, các con còn nhỏ và nhiều mối lo nên tôi chưa nghĩ đến chuyện về quê. Nhưng nếu không làm công nhân nữa, tôi sẽ rút 100% tiền bảo hiểm xã hội một lần để trở về quê làm ăn, buôn bán kinh doanh” - anh Nguyễn Hữu Hậu, công nhân công tình xây lắp ở Bắc Ninh, chia sẻ.

Anh Hữu Hậu chọn rút toàn bộ tiền bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh: Lương Hạnh

Hơn 20 năm làm công nhân, anh Hậu chưa bao giờ rơi vào cảnh ít việc như những ngày này. Từ đầu năm 2023, tình trạng ít việc xảy ra thường xuyên hơn, một tuần anh chỉ đi làm cầm chừng 2-3 ngày.

Anh Hậu dự đoán tình hình công việc từ giờ đến cuối năm không mấy khả quan. Vì anh là công nhân lâu năm nên tiền lương cơ bản cao, thu nhập 10,5 triệu đồng/tháng, còn với công nhân mới, không được đi làm thường xuyên thì tiền lương chỉ  khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

Anh Hậu thuê trọ ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cùng con trai học đại học. Thời buổi khó khăn, thu nhập sụt giảm, con trai anh phải vừa học vừa làm để phụ giúp bố mẹ.

Nam công nhân còn vợ và 2 con gái ở quê nhà Nghệ An. Xa quê lâu năm, anh Hậu cũng muốn sớm trở về quê để đoàn tụ với vợ con.

4 lựa chọn cho người lao động

Năm nay 32 tuổi, chị Nguyễn Thị K đã có 14 năm làm công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Gắn bó chừng đó năm, chị K hiểu rõ những khó khăn, áp lực của công việc. Nữ công nhân này có mức lương cơ bản khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Trước đây, khi mới bắt đầu làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, chị K nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài. Nhưng khi tuổi càng nhiều lên, sức khoẻ kém đi, suy nghĩ của chị đã thay đổi. Dù làm việc đã lâu năm, nhưng vợ chồng chị vẫn chưa thể biến giấc mơ có nhà riêng thành hiện thực.

Chị K chia sẻ, nếu trong trường hợp phải rút BHXH một lần, chị K không đồng ý với phương án cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Chị K cho rằng, khoản tiền BHXH nên để người lao động chủ động lựa chọn cách sử dụng. Ảnh: Bảo Hân

Bởi lẽ, chị K cho rằng, khi người lao động muốn rút BHXH tức là họ đang rất khó khăn, đang cần gấp một khoản tiền để họ có thể kinh doanh hay trang trải cuộc sống trước mắt.

“Đây là khoản tiền do người lao động và người sử dụng lao động đóng vào trong quá trình người lao động làm việc. Do vậy, nên để người lao động được chủ động lựa chọn phương án rút hay không rút, rút bao nhiêu, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình” - chị K nói.

Theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), với những quy định mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người lao động có 4 lựa chọn khi bảo lưu 50% thời gian đóng.

 Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH. Ảnh: Lương Hạnh

Cụ thể là nếu tiếp tục đi làm và tham gia BHXH sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH có thể chọn đóng 1 lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng; tiếp tục rút BHXH 1 lần khi đến tuổi về hưu.

Còn Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định: "Dự thảo Luật BHXH đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia BHXH như tham gia tiếp để nhận lương hưu hoặc nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng sớm hơn thay vì chờ đến 80 tuổi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn