MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tội trốn đóng BHXH được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Đề xuất các điều khoản xác định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

LƯƠNG HẠNH LDO | 28/03/2023 19:00
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi bổ sung các điều khoản để xác định hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã bổ sung vào dự thảo luật BHXH quy định rõ hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 43. 

Theo đó, trốn đóng BHXH bắt buộc bao gồm 3 hành vi cụ thể.

Một là, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 luật này; tức là sau 5 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động.

Hai là, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại Khoản 6 Điều 40 luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng theo quy định.

Khoản 6 Điều 40 quy định thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động. Cụ thể là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 4 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 7 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Ba là, người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Hiện hành, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự. 

Các cơ quan quản lý lao động hy vọng sau khi bổ sung điều khoản mới trong luật BHXH sửa đổi, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự các hành vi trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn